Đứng lên từ thảm họa

ANTĐ - Tròn 2 năm sau thảm hoạ "kép" siêu động đất - sóng thần, hậu quả của trận thiên tai chưa từng thấy này vẫn còn đè nặng song người dân và đất nước Nhật Bản đã đứng dậy, từng bước khôi phục cuộc sống.

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11-3-2011

Thời khắc định mệnh 14 giờ 46 phút (giờ Nhật Bản) ngày 11-3-2011 mãi mãi đi vào lịch sử nước Nhật như một trong những thảm hoạ thiên tai khủng khiếp nhất. Trận siêu động đất mạnh 9,1 độ richter và tiếp đó là siêu sóng thần tràn vào bờ với những con sóng cao hơn 10 m đã tàn phá vô cùng nặng nề đất nước Nhật Bản.

Theo thống kê chính thức của Nhật Bản mới đây, thảm hoạ "kép" này đã cướp đi sinh mạng của 15.881 người, 2.668 người mất tích với tổng thiệt hại trực tiếp ước tính tới 25.000 tỷ yên (309 tỷ USD). Hơn 383.000 ngôi nhà đã bị cuốn trôi và hiện vẫn còn tới 344.000 người phải sống trong các khu nhà tạm. 

 Điều đáng nói là thảm họa trên còn tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl (Ukraine) năm 1986, buộc khoảng 160.000 người sống quanh nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản phải sơ tán để tránh nhiễm xạ. Hiện còn 54.000 người dân tỉnh Fukushima vẫn phải đợi  ít nhất 4 năm nữa mới được về quê hương bởi môi trường bị ảnh hưởng từ sự cố phóng xạ.

Bên cạnh sự chia sẻ và trợ giúp của cộng đồng quốc tế, Chính phủ và người dân Nhật Bản đã nỗ lực vượt bậc, đầu tư  lớn để khắc phục hậu quả hết sức nặng nề của thảm hoạ ngày 11-3-2011. Tính đến nay, chính phủ đã lên nâng tổng số ngân sách dành cho tái thiết vùng chịu thiệt hại của thảm hoạ từ 19.000 tỷ yên lên 25.000 tỷ yên, trong đó riêng tài khóa 2013 là 6.000 tỷ yên (khoảng 70 tỷ USD).

Dù chỉ mới 2 năm sau thảm hoạ thiên tai và sự cố hạt nhân chưa từng thấy trong lịch sử song bằng sự quan tâm đầu tư lớn cùng nỗ lực của người dân, sự sống đã và đang dần hồi sinh ở "vùng đất chết" cách đây 2 năm. Trong đó, đáng nói nhất là cuộc sống ở Nhật Bản đã trở lại quỹ đạo bình thường, ngoại trừ các khu vực nằm trong vòng bán kính 30 km tính từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. 

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn còn quá nhiều việc phải làm để giải quyết hậu quả của thảm hoạ chưa từng có này. Một trong những vấn đề lớn nhất cần tiếp tục xử lý là sóng thần đã để lại 27,6 triệu tấn rác thải dọc bờ biển 3 tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate, song mới chỉ 46% rác sóng thần và 18% lượng bùn đất được xử lý. Chính phủ Nhật Bản dự tính công việc dọn dẹp sẽ phải kéo dài đến hết tháng 3-2014 mới hoàn tất.

Bên cạnh đó là việc khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục kinh tế ở các khu vực bị thiệt hại nặng bởi động đất, sóng thần. Trong đó đặc biệt là vấn đề xử lý chất phóng xạ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và không kém phần nguy hiểm.

Còn muôn vàn khó khăn ở phía trước nhưng đất nước và người dân Nhật Bản vẫn luôn kiên cường, vững tin vào tương lai và họ đã thể hiện những phẩm chất tuyệt vời đó trong suốt 2 năm qua. Phát biểu tại lễ tưởng niệm những người bị thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần ngày 11-3, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ đẩy nhanh nỗ lực tái thiết và cam kết sẽ mang lại cuộc sống yên ổn cho những người sống sót sau thảm hoạ trong thời gian sớm nhất có thể.