Đừng “lập trình” như người máy

ANTĐ - Giữa những trận mưa tầm tã suốt gần chục ngày qua, trên một sân khấu nhỏ ở Hà Nội đã diễn một vở kịch nói độc đáo có cả diễn viên người thật và người máy.

- Người máy thường chỉ dùng trong dây chuyền công nghiệp hoặc thay ô sin giúp việc nhà, làm sao thành diễn viên đóng kịch được?

- Thế mới độc đáo! Vở kịch của đạo diễn người Nhật mang sang ta, với một diễn viên chính - người máy giống hệt một cô gái Nhật cùng với 2 diễn viên người thật. 

- Quả là xưa nay hiếm thấy, chắc hẳn hấp dẫn lắm!

- Vở kịch chỉ dài nửa tiếng, kể về một cô gái trẻ bị bệnh nặng khó qua khỏi nhưng không có người thân chăm sóc, mà chỉ có người máy (do người bố mua về) ở bên đọc thơ, cho đến lúc cô ra đi. 

- Chỉ nghe kể đã thấy ám ảnh. Nhưng công nghệ cao làm sao có thể thay thế người thân yêu bằng người máy, nhất là lại còn đọc thơ. 

- Những vần thơ là do người thật đọc đã được lập trình, rồi lồng vào miệng người máy. Trông giống hệt người thật nhưng người máy chỉ có thể chuyển động đầu và cổ, làm gì có trái tim. 

- Công nghệ xử sở hoa anh đào nổi tiếng khắp thế giới, vở kịch có cả “diễn viên” người máy chắc phải có ẩn ý gì?

- Vở kịch đã diễn ở khắp châu Âu, nay đến Việt Nam chỉ để nói một điều giản dị: Công nghệ càng phát triển, con người càng cô đơn. Hãy sống với nhau như người thật, biết lắng nghe, chia sẻ, chứ không phải như những người máy đã lập trình.