Đứng làm việc - xu hướng mới

(ANTĐ) - Động tác ngồi, trông đơn giản và có vẻ như vô hại nhưng gần đây bị “lên án” là liên quan chặt chẽ với tỷ lệ tử vong và hội chứng chuyển hóa.

Hiện nay, tại một số nước phát triển, nhất là vùng Scandinavi, những chiếc bàn có thể điều chỉnh chiều cao giúp mọi người vừa đứng vừa làm việc ngày càng phổ biến hơn.

Ngồi và những hệ lụy Tạo hóa sinh ra con người bản chất không phải để ngồi, thế nên công việc gắn với chiếc ghế 8 giờ mỗi ngày, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lâu dài về mặt sinh lý học. Đã có nhiều cảnh báo về sức khỏe khi con người ngồi quá nhiều.
 Đứng làm việc - xu hướng mới ảnh 1

 Bàn đứng làm việc ngày càng trở nên phổ biến (Ảnh minh họa)

Ngồi làm suy yếu cơ bắp của chúng ta, đặc biệt là ở vùng chân và hông. Khi bạn ngồi, vùng hông hoàn toàn không hoạt động. Một bộ phận trong trạng thái tĩnh kéo dài cả ngày sẽ khiến nó bị suy yếu. Vùng hông và mông được “thiết kế” để phục vụ cho các chuyển động tự nhiên. Nếu chạy, đi bộ mà bộ đỡ yếu vì ngồi quá nhiều thì vận động mạnh có thể dẫn đến chấn thương. Ngồi cũng rút ngắn phần cơ gấp của hông, làm chúng bó chặt vào nhau. Tóm lại, không có hông chắc khỏe, khả năng vận động của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Một nghiên cứu của Australia cho thấy, người ngồi nhiều ở nơi làm việc, về nhà cũng có xu hướng ngồi nhiều hơn, dần dần sẽ bị béo phì. Theo các nhà khoa học New Zealand, người ngồi làm việc lâu năm tỷ lệ mắc chứng nghẽn tĩnh mạch cao hơn. Còn một nghiên cứu khác chỉ ra, ngồi quá nhiều liên quan đến những tác động tiêu cực đối với quá trình chuyển hóa và hệ tim mạch. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí dịch tễ học của Mỹ đầu năm 2011 cho thấy, ngồi 6 tiếng mỗi ngày có thể khiến ai đó chết vì đái tháo đường, bệnh tim và bệnh tim mạch cao hơn ít nhất 18% so với người ngồi 3 giờ mỗi ngày.Trào lưu mới
Bàn làm việc đứng hiện đã được sử dụng phổ biến hơn tại một số nước phương Tây. Có 2 lý do chính khiến nhiều người chuyển sang đứng làm việc thấy có sự thay đổi rõ rệt: đó là lượng calo đốt cháy cao hơn và tư thế tốt hơn. Về mặt dáng người, khi ngồi, kể cả trên chiếc ghế ưa thích, người ta có xu hướng cong người lại, vai nhô về phía trước, ngực gập lại làm hơi thở nông hơn. Trong khi đó, khi đứng làm việc, tay đặt một góc 90 độ trên mặt bàn, vai xuôi, cột sống thẳng, ngực nở ra. Bên cạnh đó, rõ ràng con người bị khép vào tình cảnh ngồi yên trên ghế 45 giờ mỗi tuần thì khi đứng, đúng là chúng ta trở về với hoạt động tự nhiên hơn, lượng calo đốt cháy nhiều hơn. Có người tâm sự, công việc của họ hoàn toàn là đánh máy hoặc nói chuyện qua máy tính, rất ít vận động nên bị thừa cân. Chỉ khi chuyển sang đứng làm việc, người này đã giảm được 12kg trong 3 tháng trở lại đây. Người ta khuyên rằng, nếu không có bàn làm việc tự điều chỉnh được chiều cao thì khi dùng máy tính xách tay, chồng một chồng sách cao là bạn đã có một chiếc bàn làm việc mới lý tưởng. Dù chọn phương pháp nào, chỉ cần đảm bảo bạn đang thực sự thoải mái làm việc trong tư thế này, chú ý là không nên gù người, uốn cong ở thắt lưng, hoặc để cánh tay căng thẳng. Kinh nghiệm cho thấy, 3 ngày đầu chuyển sang đứng làm việc không hề dễ dàng: người mỏi nhừ, chân sưng lên nhưng những ngày sau mọi việc sẽ ổn. Tuy vậy, đứng làm việc không có nghĩa là đứng tĩnh kéo dài, bởi Trung tâm về sức khỏe và an toàn lao động Canada từng cảnh báo, công việc đòi hỏi đứng suốt ngày, hệ quả sẽ là giãn tĩnh mạch, mệt mỏi cơ bắp nói chung, đau lưng dưới và cứng khớp. Vì thế, làm việc đứng hay ngồi tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Dù ở tư thế nào, cũng cần có thời gian thư giãn và nếu khó chuyển đổi thói quen ngồi làm việc, tranh thủ đứng càng lâu càng tốt. Cụ thể, hãy đứng khi sử dụng điện thoại, đặt máy in cách xa ghế ngồi để tạo cơ hội rời chiếc ghế một chút, nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp thay vì gửi email, ở nhà tranh thủ là quần áo hay cho quần áo vào máy giặt thay vì xem ti vi…