Dựng lại dấu vết nhóm “siêu trộm” xuyên quốc gia: Siêu trộm cụt ngón và các “dị nhân”

ANTĐ - Điều đặc biệt là toàn bộ các đối tượng trong băng nhóm móc túi xuyên quốc gia đều đã nhiều lần ra tù, vào tội. Kẻ cụt tay, người què chân nhưng với quái chiêu lọc lõi, nhóm này không chỉ gây án trong Nam ngoài Bắc mà còn “hành nghề” tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Bình “bàn tay vàng” (ngoài cùng bên trái) và đồng bọn bị bắt ngày 27-10 
và tang vật vụ án được cơ quan công an thu giữ

Khổ luyện thành danh

Theo các trinh sát Đội 5 - Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội, nhóm siêu móc túi “lộ diện” từ đầu năm 2013 - thời điểm tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc diễn ra các lễ hội truyền thống. Việc nắm thông tin, theo dấu nhóm này không hề đơn giản bởi chúng gây án di động, lại được điều hành bởi 2 đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, có biệt danh “bàn tay vàng”. Đối tượng cầm đầu được lực lượng cảnh sát hình sự tập trung xác minh là Nguyễn Văn Bình (SN 1961, ở Ninh Kiều, Cần Thơ), đã có 5 tiền án, tiền sự về các tội trộm, cướp tài sản… Trong giới tội phạm khu vực miền Tây Nam bộ, Bình nổi tiếng với tài móc túi siêu đẳng. Chỉ cần lướt qua đám đông chen chúc, đối tượng này có thể lấy cắp điện thoại hoặc nhiều loại tài sản khác. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn cả là dù tay thuận bị cụt ngón trỏ và ngón cái nhưng Bình vẫn trở thành “lao động chính” trong nhóm móc túi. Những lần bị bắt trước đó, Bình đều thề không tái phạm. Nhưng do tật xấu khó bỏ, Bình đã luyện tập cho đến khi tay trái trở nên linh hoạt. Vì khả năng khác người nên các “dị nhân” trong nhóm siêu trộm đã phải ngả mũ, suy tôn Bình “bàn tay vàng” làm anh cả.

Siêu ngang ngửa Bình và cùng trực tiếp chỉ đạo nhóm móc túi còn có Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1969, ở Bến Tre). Đây là đối tượng bị bắt đầu tiên khi đang “hành nghề” tại Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Royal City, tối 27-10. Với bảng “thành tích” dày đặc, Tuấn tỏ ra lỳ lợm, chỉ khai tên giả, không thừa nhận quen biết các đối tượng còn lại. Nhờ kỹ nghệ móc túi siêu đẳng được tôi luyện qua hàng chục năm, chỉ sau vài giây, Tuấn đã dễ dàng “ăn” ĐTDĐ của người đứng cạnh. Khả năng đội lốt người khác cũng là biệt tài của Nguyễn Thanh Tuấn và đồng bọn. Khi bị dẫn giải về Phòng CSHS, gã siêu trộm khai và chìa ra tờ khai báo tạm trú, tạm vắng có dán ảnh mang tên Dương Phi Líp, quê ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy Líp là đối tượng hình sự từng chấp hành án phạt tù nhưng đã chết. Sau đó, khi trích lục “kho” tiền án, tiền sự của các thành viên trong nhóm siêu trộm, cảnh sát còn phát hiện có đối tượng sở hữu đến gần chục cái tên khác nhau như Bùi Văn Thành, Phạm Văn Hùng, Hoàng Văn Tuấn… Thủ đoạn của chúng là giả mạo CMND, giấy tờ tùy thân của người khác để mỗi khi bị bắt sẽ đưa ra đối phó. Trong trường hợp không mang theo “bảo bối”, có đối tượng đã quanh co khai nhận không có người thân, sống lang thang hoặc có gia đình nhưng gốc ở tận Lào, Campuchia…

Gây án không biên giới

2 tuần sau khi nhóm siêu móc túi sa lưới, Phòng CSHS - CATP Hà Nội vẫn liên tiếp nhận được điện thoại của công an các tỉnh Bến Tre, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang… chia sẻ thông tin về các vụ án do Bình và đồng bọn thực hiện. Nhiều đối tượng trong nhóm này đã bị công an các địa phương ra quyết định truy nã. Theo Trung tá Lê Kim Đồng, Đội phó Đội 5 - Phòng CSHS, nhóm trộm cắp do Nguyễn Văn Bình cầm đầu có từ 10 - 15 đối tượng, tất cả đều thuộc dạng lưu manh chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự. “Nếu không phải các trinh sát đã liên tục theo dấu đối tượng suốt nhiều tháng qua thì không dễ để nhận diện, đeo bám nhóm móc túi” - đại diện Phòng CSHS cho biết. Các đối tượng gần như không xuất hiện tại nơi cư trú. Lúc gây án, chúng luôn ăn mặc sang trọng, sử dụng ĐTDĐ đắt tiền, ăn nói nhã nhặn. Do có sự phân vai rõ ràng nên các thành viên trong nhóm thay nhau cảnh giới, gây sự chú ý hoặc tạo tình huống xô đẩy để đồng bọn ra tay. Chỉ cần nghi ngờ có lực lượng chức năng, cả nhóm sẽ “phím nhau” bằng tiếng lóng rồi nhanh chóng thay đổi địa điểm.

Cách chọn nơi gây án của các nhóm móc túi miền Tây cũng có sự khác biệt. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các đối tượng lựa chọn đích đến là các lễ hội văn hóa, sự kiện thể thao đông người. Dù tập hợp toàn “Hai Lúa” chính gốc nhưng nhóm này lại đi đầu về “độ” chịu chơi. Quá trình theo dõi, trinh sát phát hiện nhóm siêu trộm liên tục di chuyển bằng máy bay, ở khách sạn nhiều ngày, có lần còn đưa cả vợ con ra “hành nghề” tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, chúng còn  bay sang gây án tại nhiều nước trong khu vực Asean. Theo tài liệu điều tra, Bình và đồng bọn nhiều lần có mặt tại tất cả các sự kiện lớn như Lễ hội té nước tại Thái Lan, Campuchia; Seagame ở Lào hay các Festival, chương trình nghệ thuật lớn tại các quốc gia lân cận. Tùy thuộc vào kết quả mỗi chuyến xuất ngoại, nhóm siêu trộm sẽ nhập cảnh chớp nhoáng hoặc ở lại bên kia biên giới nhiều ngày…

Khi phóng viên ANTĐ thực hiện bài viết này, danh tính một số đối tượng liên quan đến hoạt động phạm tội của nhóm trộm cắp xuyên quốc gia đã được cơ quan công an làm rõ. Phạm vi hoạt động của Bình “bàn tay vàng” và đồng bọn được xác định trên phạm vi toàn quốc. Lúc này, lực lượng CSHS - CATP Hà Nội đã phối hợp với công an các địa phương khẩn trương điều tra mở rộng, truy bắt các đối tượng còn lại.