Dựng lại dấu vết nhóm “siêu trộm” xuyên quốc gia: Những vị khách dễ mến

ANTĐ - Tích cực mở rộng điều tra, đấu tranh khai thác 6 đối tượng trong ổ nhóm khoảng 20 “siêu trộm” bị bắt tại một khu vui chơi, lực lượng CSHS CATP Hà Nội đã làm rõ những thủ đoạn tinh vi, cùng địa bàn hoạt động… không giới hạn của các đối tượng này. Nhóm PV Báo ANTĐ đã lần theo dấu vết của nhóm trộm, để thông tin giúp bạn đọc định hình rõ hơn về thủ đoạn tinh quái của chúng.

Khách sạn Nam Thành, nơi nhóm “siêu trộm” từng tá túc

Đi ngược “quy luật”

Như Báo ANTĐ đã thông tin, tối 27-10, lực lượng CSHS CATP Hà Nội phối hợp cùng CAQ Thanh Xuân đã phục kích, bắt quả tang 6 đối tượng Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1969), Nguyễn Văn Bình (SN 1961), Trần Văn Thống (SN 1970), Lê Tấn Hoàng (SN 1975), Nguyễn Văn Hậu (SN 1962), Nguyễn Thanh Hải (SN 1963), đều trú ở các tỉnh miền Tây Nam bộ khi đang thực hiện hành vi trộm cắp tại các địa điểm vui chơi, mua sắm trong 1 khu trung tâm thương mại trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Theo cập nhật của PV Báo ANTĐ, trong nhiều năm trở lại đây, đây là ổ nhóm trộm cắp có số lượng đông nhất, từ địa bàn xa nhất và thủ đoạn tinh quái nhất “dạt” về Hà Nội gây án. Một quy luật phổ biến của tội phạm, đặc biệt tội phạm tỉnh ngoài, là sau khi gây án thường không để lại tung tích, dấu vết. Ngoài ra, loại tội phạm này không “cắm” quá lâu tại một địa bàn, mà liên tục di chuyển. Nhưng nhóm “siêu trộm” từ miền Tây ra Hà Nội lại đi ngược hoàn toàn các “quy luật” trên. Tại các nhà nghỉ, khách sạn và hiệu cầm đồ trên địa bàn thành phố mà nhóm trộm này từng tá túc hoặc đến tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có, khi tìm đến để dựng lại hành tung các đối tượng, PV ANTĐ không hề gặp sự nghi ngờ hay ấn tượng xấu nào về đám “đạo chích”.

Đầu tiên là nhà nghỉ Hương Quỳnh, thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Nhà nghỉ này cao 7 tầng, khá khang trang. Trái với hình dung ban đầu của chúng tôi, nhóm trộm người miền Tây sẽ thuê nhà nghỉ hay nhà trọ ở nơi khuất nẻo trong ngõ, nhưng nhà nghỉ Hương Quỳnh lại nằm ngay mặt phố Vọng, luôn đông người qua lại. Sổ lưu trú của nhà nghỉ thể hiện nhóm trộm miền Tây đã từng ở đây vào các ngày 21, 23, 24 và 25-9. Người đứng ra thuê phòng, sử dụng chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Văn Đen (SN 1985) – đồng phạm trong vụ án, đang bỏ trốn. Trước đó nhiều tháng, các vị khách miền Tây này cũng từng đến đây thuê phòng.

Chủ và nhân viên nhà nghỉ Hương Quỳnh chỉ biết các nhóm khách thuê trọ là kẻ gian khi cơ quan Công an thực hiện lệnh khám xét. “Cơ sở của chúng tôi gần trường đại học, bệnh viện, giá cả bình dân nên nhiều người tỉnh ngoài thường đến thuê phòng. Nhóm mấy người đàn ông ấy nói giọng miền Nam, đi đâu về hay trả phòng đều nói năng rất nhỏ nhẹ. Và lần nào cũng xuất trình đủ giấy tờ tùy thân, nên chúng tôi không chút nghi ngờ và càng không nghĩ họ là kẻ xấu”, chủ nhà nghỉ Hương Quỳnh nhớ lại. Hỏi về quy trình tiếp nhận khách thuê phòng cũng như quy định đăng ký tạm trú của khách tại cơ quan Công an, phía nhà nghỉ Hương Quỳnh khá “thuộc bài”, và đã thực hiện tương đối đầy đủ tại CAP Phương Liệt.

Mạo danh của người… đã chết

Tương tự nhà nghỉ Hương Quỳnh là khách sạn Nam Thành, đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Cơ quan chức năng ngay sau khi bắt giữ nhóm trộm đã đến thi hành lệnh khám xét, đồng thời kiểm tra việc thực hiện đăng ký lưu trú của khách sạn đối với khách thuê trọ. Các quy định được thực hiện đầy đủ. Theo chủ khách sạn Nam Thành, năm 2012, những người miền Tây đó từng ra thuê phòng. “Họ nói là ra lấy hàng ở mấy bến xe trên địa bàn quận Hoàng Mai. Mỗi khi rời khách sạn, họ thuê “xe ôm” hay gọi taxi, và không có giờ giấc cố định. Còn khi ở phòng, trừ ban đêm, họ luôn mở toang cửa ra vào, nói là để cho thoáng”, một nhân viên phục vụ của khách sạn Nam Thành kể lại. Vì xuất trình đủ giấy tờ, và thái độ luôn cởi mở, nên số người này đã lấy được thiện cảm của nhân viên khách sạn Nam Thành, cho đến khi họ biết đó đều là… lưu manh chuyên nghiệp. Thông tin mà PV ANTĐ thu thập được từ CQĐT, trong số những giấy tờ tùy thân mà nhóm người miền Tây trên xuất trình để thuê phòng, có không ít giấy tờ giả và mạo danh của người… đã chết.

Một trong những địa chỉ mà nhóm trộm người miền Tây từng “ghé”, là một hiệu cầm đồ ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Chiều 5-11, PV ANTĐ đã gặp, chuyện trò cùng chủ hiệu cầm đồ tên là Nghĩa. Theo anh Nghĩa, khoảng tháng 6, tháng 7- 2012, nhóm người miền Tây trên đã đến cửa hiệu của anh để bán điện thoại di động và một số thiết bị điện tử. Số người này giới thiệu họ cũng kinh doanh cầm đồ, và thường xuyên có nhu cầu “đẩy hàng” để quay vòng vốn. Bẵng đi đến tháng 9-2013, cửa hiệu cầm đồ của anh Nghĩa gặp lại khách quen và giao dịch tiến hành vẫn trên cơ sở niềm tin “đẩy hàng – quay vòng vốn” giữa những “đồng nghiệp”. Rất khó để trách người chủ hiệu cầm đồ ở thị trấn Văn Điển vì sao không đặt câu hỏi nghi ngờ đối với “đồng nghiệp” từ miền Tây ra, lại thi thoảng mới xuất hiện? 14 chiếc điện thoại di động và thiết bị điện tử các loại đã bị cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ để xác minh, phân loại, chắc chắn sẽ là “bài học” để anh Nghĩa có ý thức cảnh giác hơn trong hoạt động kinh doanh cầm đồ. Còn với nhóm “siêu trộm” người miền Tây, việc tạo vẻ ngoài thân thiện, gần gũi là những ý đồ, thủ đoạn hết sức tinh quái, táo tợn…

(Còn tiếp)