Đừng là gà công nghiệp giữa chốn thị thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội và nhiều địa phương khác đã thực hiện không ít biện pháp giãn cách để phòng chống Covid-19. Lũ trẻ nhà tôi cũng giống như hàng triệu đứa trẻ thị thành khác tiếp tục ở nhà để phòng dịch. Việc giữ con trong nhà cũng chỉ là việc bất đắc dĩ bởi không còn cách nào khác. Nhưng với rất nhiều gia đình, nhất là những gia đình sống trong chung cư, lũ trẻ đã quanh quẩn trong bốn bức tường từ lâu rồi chứ không đợi đến khi có dịch.
Làm bạn với máy tính, học bài online trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 là những hình ảnh quen thuộc của mỗi gia đình (Ảnh minh họa)

Làm bạn với máy tính, học bài online trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 là những hình ảnh quen thuộc của mỗi gia đình (Ảnh minh họa)

Đừng là gà công nghiệp nhốt trong những hộp diêm

Sống ở thị thành, nguy cơ về tai nạn giao thông và cạm bẫy xã hội khiến hầu hết các trẻ ngay từ mẫu giáo cho đến khi học hết cấp 1, thậm chí cấp 2, đều được bố mẹ sáng đưa đến lớp, chiều đón về. So với trẻ con nông thôn thì chúng khá sung sướng, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, được ăn ngon, mặc đẹp, được bố mẹ chiều chuộng mua sắm cho đủ thứ đồ chơi, nhưng vẫn chẳng khác nào những chú gà công nghiệp. Có 2 người có thể trở thành người bạn thân thiết nhất của trẻ là bố và mẹ thì họ cũng quá bận bịu với các mối quan tâm khác. Cả ngày gửi con cho nhà trường để đi làm kiếm sống, để có các mối quan hệ xã hội. Chiều đón con về, mẹ bận bịu với dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, bố tiếp tục mê mải ở các cuộc nhậu hoặc các sân tập thể thao, nên bạn của chúng chẳng có gì hơn ngoài chiếc tivi và cái điện thoại.

Những đứa trẻ nông thôn khi ở nhà, rộng cẳng chúng có thể túm tụm leo trèo, chạy nhảy, đá bóng, hái hoa, thả diều, đổ dế, bắt chuồn chuồn... Chúng không bị ép học thêm mà có muốn học thêm cũng khó tìm thầy cô dạy. Đại khái là chúng được chơi, có bạn chơi và có rất nhiều trò để nghịch ngợm để gắn bó, để chia sẻ cảm xúc buồn vui với nhau. Lớn lên, trong ký ức của chúng vẫn sẽ ăm ắp hình ảnh bạn bè tuổi thơ. Ăm ắp những kỷ niệm về những trảng đồi sim đầy nắng gió, những triền đê heo hắt cỏ may, những buổi tắm ao hay những trò nghịch ngợm... Ký ức ấy sẽ luôn là niềm thương nỗi nhớ, là nguồn cội, là điểm tựa nuôi dưỡng tâm hồn trong mỗi bước đường trưởng thành.

Ở thị thành, dù cuộc sống vật chất đủ đầy hơn ở nông thôn, nhưng tôi có cảm giác lũ trẻ giống như chú dế bị nhốt trong những hộp diêm. Chúng không có bạn chơi vì bạn chúng cũng đang ở trong những hộp diêm khác. Nhiều khi tôi tự hỏi, khi lớn lên ký ức tuổi thơ của con là gì?

Những người làm cha, mẹ như chúng ta có đang “đánh cắp” tuổi thơ của con, làm nghèo nàn tâm hồn của con hay không khi luôn miệng bảo chúng: “Phải học thật giỏi mới có tương lai”. Ngoài học trên lớp, chúng ta còn tìm cho con đủ các lớp học thêm mặc cho con mệt mỏi, rã rời. Tuổi thơ của con là những ngày oằn mình với sách vở, với điểm số, với những lời la mắng khi điểm kém hơn bạn bè. Tuổi thơ của các con có gì ngoài học trên lớp, học thêm, mải mê dán mắt vào màn hình điện thoại chơi game, xem những video vô bổ, thậm chí là nguy hại? Mới đây thôi, một bé gái 5 tuổi ở TP.HCM vừa tử vong thương tâm sau khi bắt chước làm theo trò chơi treo cổ trên YouTube.

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Bí kíp của giáo dục Phần Lan

Giờ đây, ngay cả khoảng thời gian hạnh phúc nhất khi cả gia đình đi ăn sáng, cà phê cuối tuần, bố mẹ cũng nhờ điện thoại chơi với con để chúi mũi vào chiếc điện thoại của mình. Chúng ta bắt gặp hàng ngày ở những tiệm ăn gia đình, bố mẹ, con cái, hờ hững ăn, hờ hững nói chuyện với nhau vì ai cũng mải “bấm bấm, lướt lướt”. Tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng vậy, nhưng có một sự thật là trẻ con thị thành ngày nay đang dần cô đơn trong không gian sống của mình. Chúng bị ép học quá nhiều trong khi đó thời gian để chơi với bạn bè, bố mẹ không được bao nhiêu.

Trong các bảng xếp hạng về chất lượng giáo dục hiện nay, Phần Lan luôn là quốc gia đứng đầu thế giới. Bí quyết của hệ thống giáo dục của họ khá đơn giản: Nói không với bài tập về nhà; không dạy thêm, học thêm. Thời gian đến trường của học sinh khoảng 20 giờ/tuần, khoảng 3-4 giờ/ngày, tương đương 3 ngày đến trường của trẻ em Việt Nam cùng độ tuổi và hoạt động vui chơi cũng chiếm thời lượng không nhỏ trong số 3-4 giờ đó.

Quan điểm của các nhà giáo dục Phần Lan nói riêng và các nước châu Âu nói chung là muốn học trò được chơi. Bởi nếu chỉ học, học, học… thì trẻ sẽ ngừng tiếp thu cái mới. Đứa trẻ đến trường không chỉ được dạy khoa học cơ bản mà còn được dạy về các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống. Bọn trẻ luôn được gia đình, nhà trường cho ra ngoài trời vận động, được giao lưu, gắn kết với nhau thông qua các trò chơi vận động hay các hoạt động trại hè.

Bố mẹ nào cũng muốn con xuất sắc hơn người, nhưng đấy chỉ là “cái tôi” của bố mẹ. Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, nhưng phương pháp giáo dục và quản lý trẻ con thị thành như hiện nay chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc cho con.

Bác sỹ, nhà tâm lý học người Áo Alfred Alder từng nói: “Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời thơ ấu”. Ký ức tuổi thơ sẽ luôn là cội rễ để cuộc đời neo vào. Khi con còn nhỏ, chúng ta tạo cho con một tuổi thơ êm đẹp đến khi trưởng thành con thường sẽ có một cuộc đời êm ấm và hạnh phúc hơn!