Dùng hàng Việt: Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

ANTĐ - Đó là lợi ích do việc dùng hàng Việt mang lại của khối các doanh nghiệp Trung ương được báo cáo tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, tổ chức ngày 21-12.

Dùng hàng Việt là yêu nước

Sức mạnh liên kết doanh nghiệp

Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương (Đảng ủy khối) cho biết, trong 2 năm 2010-2011, toàn khối có trên 3.000 công trình, sản phẩm mới. Trong đó, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật đoàn thanh niên làm nòng cốt đảm nhiệm 77% tổng số công trình, sản phẩm bằng sức lao động, kỹ thuật và nguyên liệu, thiết bị, máy móc của Việt Nam. Nhờ vậy đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng so với việc thuê chuyên gia và mua nguyên liệu, máy móc thiết bị của nước ngoài. Riêng năm 2011, toàn khối có gần 1.100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề án, đề tài khoa học được áp dụng hiệu quả.

Theo Đảng ủy khối, điểm nổi bật của việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam của các doanh nghiệp thuộc khối là sự tăng cường liên kết, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty. Ví dụ như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vận chuyển 800.000 tấn than cho các nhà máy nhiệt điện và nhà máy sản xuất xi măng. PVN sử dụng 100% xăng, dầu diesel, xi măng, sắt thép, đá, phụ kiện tà vẹt, bê tông là hàng Việt Nam cho các loại sản phẩm chính phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2011 của tập đoàn. Đoàn thanh niên PVN đảm nhận công trình đấu nối và chạy thử ngoài khơi Giàn đầu giếng Chim sáo, Giàn  đầu giếng Topaz, làm lợi trên 26 tỷ đồng. PVN liên kết với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xây dựng các nhà máy sản xuất xơ sợi. Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy cũng phối hợp với Tổng công ty Hàng hải và PVN; TKV phối hợp với Tổng công ty Hàng hải... Tính đến hết tháng 8-2011, có 20/32 đơn vị trong khối đã triển khai thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết.


Cần phối hợp “ăn ý” hơn

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” song hiệu quả của chương trình tại một số đơn vị chưa như mong muốn. Đảng ủy khối thẳng thắn cho hay, việc sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong nội khối còn đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thường mang tâm lý dễ làm, khó bỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Dịch vụ của các đơn vị này thiếu đa dạng, doanh nghiệp thụ động tìm kiếm nguồn hàng, tiêu thụ sản phẩm hay liên doanh liên kết nội bộ nên chưa phát huy hết sức lan tỏa trong đơn vị cũng như tại địa phương. Từ đó, chưa kết nối được với sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT Vinatex lấy dẫn chứng: “Vinatex đang sử dụng than của TKV nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua thêm than ở bên ngoài, chứng tỏ liên kết giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo”. Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu thụ tại nội địa vẫn là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Và để đẩy mạnh liên kết, các doanh nghiệp phải có phương thức thanh toán linh hoạt, nhanh chóng hơn với sự liên kết, bảo lãnh của các ngân hàng. Hiện nay, việc thanh toán giữa các doanh nghiệp đang kéo dài 1-2 năm. “Các doanh nghiệp Trung ương: PVN, VNPT, các ngân hàng... đều có năng lực rất lớn, có sản phẩm chủ lực để cùng nhau tạo ra thị trường nội địa quy mô lớn. Hiện tại các doanh nghiệp thuộc khối chưa làm được điều này và cần khắc phục” - ông Giang chia sẻ.

Theo đại diện của VNPT, để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra mức giá cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần chủ động khiếu nại khi phát hiện vi phạm của doanh nghiệp Việt Nam. Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Công ty Giấy Sông Đuống cho hay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của Nhà nước phải gương mẫu, hợp tác cùng sử dụng những hàng hóa do các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất ra. “Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành, chứ không thể dựa vào ưu tiên, nếu không sẽ làm cho hàng chúng ta kém sức cạnh tranh” - ông Quân nói.

Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương kiến nghị Chính phủ cần kiên quyết trong việc áp thuế nhập khẩu tối đa với những sản phẩm, dịch vụ trong nước đã sản xuất được; ban hành tiêu chuẩn cho hàng Việt Nam theo quy định trong nước và quốc tế để doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa.