Đụng độ ngầm trong giới “cò” xe

ANTĐ - Mục đích doanh thu, lợi nhuận và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các xe khách đã hình thành một “nghề” gọi là “cò”. Các bến xe lớn, nhỏ ở Hà Nội hiện nay, không nơi nào vắng bóng “cò”. Thế giới của hoạt động mời chào, giành giật khách này luôn tiềm ẩn những phức tạp.

Màn kịch… đánh chết người

Tại bến xe Lương Yên, lực lượng chức năng phải ứng trực thường xuyên để ngăn “cò”

Ngày 13-6, anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1986), quê quán Như Thanh - Thanh Hoá, phụ xe ô tô khách BKS: 36L - 9145 chạy tuyến Như Thanh (Thanh Hóa) - Mỹ Đình (Hà Nội) bất ngờ bị đẩy xuống xe ô tô, và bị một nhóm 4, 5 thanh niên dùng hung khí đánh gục tại chỗ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi rời bến xe Mỹ Đình sáng hôm ấy, xe 

36L - 9145 đã phải dừng lại trong chốc lát bởi “nhân viên” của một nhà xe khác đến “vặn” lý do vì sao dám chèn vào “lốt” (thời gian xếp khách trong bến xe), và vì sao dám va quệt vào xe của họ. Anh Thắng cùng nhân viên xe 36L - 9145 đã giải thích và được phía nhà xe kia “cho” xuất bến. Chạy được một quãng trên đường Phạm Hùng, có một thanh niên đứng bên đường vẫy xe. Biết là vi phạm Luật Giao thông, nhưng xe 

36L - 9145 vẫn táp vào lề đường đón khách.

Xe chạy đến đường Khuất Duy Tiến, vị khách lúc trước đột ngột yêu cầu đòi dừng để xuống. Cửa xe bật mở, anh Thắng đang đứng ở vị trí cửa bất ngờ bị đẩy xuống. Từ trên hè, một nhóm thanh niên nấp sẵn, lao ra, dùng hung khí tấn công khiến anh Thắng tử vong. Cái chết của nạn nhân Nguyễn Văn Thắng cho thấy một kịch bản giết người đã bị nhóm côn đồ dựng sẵn. Và có thể khẳng định, nó xuất phát từ mâu thuẫn cạnh tranh giữa xe 36L - 9145 với nhà xe khác.

Trao đổi với đại diện quản lý một số bến xe ở Hà Nội, tất cả đều thừa nhận trong bến có “cò”! Có 2 dạng “cò” hoạt động: một là chẳng thuộc nhà xe nào, nhưng thường xuyên xuất hiện ở trong và ngoài bến, mời chào khách, đưa khách lên xe rồi ăn tiền “thưởng” của nhà xe. Loại “cò” này được xem hoạt động chuyên nghiệp, xuất hiện phổ biến ở các tuyến xe khách đường dài. Loại “cò” thứ hai là phụ xe, nhân viên phục vụ của chính nhà xe. Số này thường quanh quẩn gần xe của mình để mời chào khách. Tùy theo sự quyết liệt trong công tác quản lý của bến xe mà “cò” hoạt động công khai, phức tạp hay lén lút. Không chỉ chào mời khách, nhiều “cò” được nhà xe cắt cử giải quyết trực tiếp những cạnh tranh với các nhà xe. Đơn giản và nhẹ nhàng nhất là trò ném vỡ kính, gây gổ, đe dọa. Đỉnh điểm là dùng vũ lực để nói chuyện.

Trước vụ án mạng liên quan đến sự cạnh tranh vận tải khách ở đường Khuất Duy Tiến nêu trên, tại đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, một “cò” xe hoạt động ở bến xe phía Nam cũng bị 2 “sát thủ” dùng hung khí đâm chết. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn T, 31 tuổi, quê Hà Nam. Trong khi đi xe máy từ khu vực Đuôi Cá đến bến xe phía Nam, đến trước cửa bến, anh T bị 2 thanh niên đi xe máy cùng chiều dùng dao chém 2 nhát trúng vai, lưng. Cố gắng điều khiển xe máy đi vào sân của bến xe phía Nam, anh T gục ngã sau đó đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Dẹp “cò” - dễ mà khó

“Với cơ chế quản lý ở nhiều bến xe như hiện nay, khó tránh khỏi việc hình thành “nghề cò”, một cán bộ Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam - CAQ Hoàng Mai nhìn nhận. “Cò” hoạt động liên quan đến hành khách ra vào bến xe. Nếu kiểm soát chặt lượng khách theo tinh thần có vé mới được vào bến, lên xe, tất yếu “cò” không còn đất hoạt động. Thế nhưng hiện tại theo khảo sát của chúng tôi, duy nhất bến xe Nước ngầm đang có xu hướng thực hiện phương thức này, là kiểm soát - yêu cầu hành khách phải có vé mới vào được bên trong khu vực xe ô tô xếp khách. Đây cũng là bến xe mà hoạt động của “cò” gần như không tồn tại trong khuôn viên. Bến xe phía Nam cũng từng thuê nhân viên công ty vệ sỹ để vừa bảo vệ, vừa kiểm soát hành khách ra vào. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, đội ngũ này gần như không phát huy tác dụng. Bến xe phía Nam và nhiều bến khác, nhà xe phải chịu mô hình cứ đến giờ là phải rời bến, bất kể khách đông hay ít. Mà đã vào bến rồi xuất bến, các nhà xe phải trả chi phí như nhau. Sự “đổ đồng” này buộc các nhà xe chỉ còn cách tuyển “cò”, cắt cử nhân viên để chào mời khách.

Lâu nay, để dẹp “cò”, để chấn chỉnh những cạnh tranh ngầm, những phức tạp trong vận tải xe khách, người ta thường nói đến sự phối hợp giữa các nhà xe, các bến xe với các lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT, CSTT. Sự phối hợp này không quá khó để xây dựng, nhưng cũng không dễ để duy trì thường xuyên, phát huy hiệu quả. Về lý thuyết, trong bến, trách nhiệm quản và đẩy “cò” thuộc đơn vị quản lý bến xe.

Ngoài khuôn viên bến, trên lộ trình chở khách, việc xử lý hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, mọi hoạt động của “cò”, thuộc trách nhiệm của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, những vi phạm được xử lý thiếu triệt để, không thường xuyên và gần như rất ít sự phối hợp. Chỉ huy CAP Gia Thụy, quận Long Biên, đơn vị phụ trách đảm bảo ANTT bến xe Gia Lâm nêu thực tế, nhiều năm nay, rất ít thông tin phản ánh, tố giác những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh được nhà xe chủ động báo đến cơ quan chức năng. Hoặc là họ chấp nhận, chịu thua sự “bắt nạt” của nhà xe, “cò” xe đầu gấu. Hoặc, họ chọn cách giải quyết bằng “luật rừng”.

Tại bến xe Gia Lâm hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi, CAP Gia Thụy phối hợp cùng Đội CSHS - CAQ Long Biên đã “giải tán” 3, 4 nhà xe đầu gấu. Số này sau khi rời sân bến, ngang nhiên án ngữ ở cổng mà không chịu đi ra đường, mục đích hớt khách của các xe khác. Sự chướng mắt này diễn ra thời gian khá dài mà không nhà xe nào dám kêu, cho đến khi lực lượng công an vào cuộc…