Đụng độ lan rộng ở miền Bắc Ethiopia khiến Liên hợp quốc lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các cuộc đụng độ tại Ethiopia nổ ra từ tháng 11/2020 giữa lực lượng chính phủ và những người trung thành với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray đến nay đã khiến hàng nghìn người bị giết và hơn hai triệu người phải dời bỏ nhà cửa, 5,2 triệu người cần hỗ trợ.

Trong một tuyên bố báo chí ngày 5/11, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng lan rộng và sự gia tăng các cuộc đụng độ quân sự ở miền bắc Ethiopia, lưu ý tác động của cuộc xung đột đối với tình hình nhân đạo cũng như sự ổn định của đất nước và cả khu vực.

Các cuộc đụng độ tại miền Bắc Ethiopia làm Liên hợp quốc lo ngại. Ảnh: Reuters.

Các cuộc đụng độ tại miền Bắc Ethiopia làm Liên hợp quốc lo ngại. Ảnh: Reuters.

Đầu tuần này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết “sự ổn định của Ethiopia và khu vực rộng lớn hơn đang bị đe dọa”. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Guterres, các thành viên hội đồng đã yêu cầu các bên kiềm chế "những lời nói căm thù quá khích, kích động bạo lực và chia rẽ”.

Tuyên bố kêu gọi các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, thiết lập lại các dịch vụ công và mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo.

Các thành viên hội đồng cũng kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch và ngừng bắn lâu dài, cho rằng đây có thể là sự khởi đầu của "một cuộc đối thoại quốc gia toàn diện của Ethiopia để giải quyết cuộc khủng hoảng và tạo nền tảng cho hòa bình và ổn định trên khắp đất nước.

Tuyên bố tái khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an đối với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Ethiopia.

Các cuộc đụng độ tại Ethiopia nổ ra từ tháng 11/2020 giữa lực lượng chính phủ và những người trung thành với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray đã khiến hàng nghìn người bị giết và hơn hai triệu người phải dời bỏ nhà cửa và 5,2 triệu người cần hỗ trợ.

Trong vài tháng qua, các vụ giết người, phá hủy các trung tâm y tế và trang trại cũng như các hệ thống thủy lợi quan trọng vẫn tiếp tục xảy ra càng bức thiết hơn.