Đừng để thế hệ tương lai đất nước vô cảm như những con rô bốt

ANTD.VN - Chiều 11-6, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ĐBQH Ksor Phước Hà (đoàn Gia Lai) cho rằng có một thực tế hiện nay là chúng ta mới chỉ quan tâm phần “đào tạo” chứ chưa chú trọng phần “giáo dục” cho thế hệ tương lai của đất nước. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp.

Mới quan tâm đào tạo mà "quên" giáo dục

“Có một thực trạng hiện nay là chưa vào học lớp 1, các em đã thuộc bảng cửu chương, nói tiếng Anh làu làu như gió. Vào cấp 2 thì toàn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, sang cấp 3 thì thuộc sử người làu làu nhưng lại thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc. Vì thế tôi đề nghị luật lần này phải sửa đổi sao cho ngành giáo dục thực hiện được đủ 4 chữ là “giáo dục” và “đào tạo” chứ không chỉ tập trung cho đào tạo thôi”, đại biểu Ksor Phước Hà nói.

Nữ Thiếu tá Công an tỉnh Gia Lai cũng cho rằng chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục về đạo đức cho giáo viên và học sinh để tránh tình trạng một thế hệ tương lai của đất nước vô cảm như những con rô bốt.

Giao tự chủ cho các trường song phải giám sát

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) đề nghị dự thảo luật cần có sự đột phá, mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường 3 mặt chuyên môn, tài chính và nhân sự, nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông có sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. 

Tuy nhiên, bà Thảo cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của các trường công lập trong cả nước trước và sau khi thực hiện quyền tự chủ, để tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước, tránh tình trạng “thử - sai - sửa” lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó cần quy định thêm năng lực tự chủ đại học vì không thể cùng một lúc trao quyền tự chủ cho tất cả các trường mà cần tự chủ theo lộ trình, theo nhóm trường.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị mạnh dạn giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường phổ thông nhưng cần đi kèm cơ chế giám sát

Tranh luận lại đề xuất “mạnh dạn trao hẳn quyền tự chủ cho các trường”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng quan điểm này cần phải xem xét.

“Thứ nhất, nếu hoạt động của hội đồng trường, hội đồng quản trị trường không minh bạch hoặc đi chệch hướng thì nhà nước rất khó có thể can thiệp, điều tiết. Thứ hai, nếu hội đồng trường và hội đồng quản trị trường có quyền cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì có nguy cơ xảy ra lợi ích nhóm, không chọn được người tài. Thứ ba, đang có hai hướng là các trường mạnh thì rất muốn tự chủ hoàn toàn nhưng đa số các trường từ phổ thông tới đại học chỉ muốn tự chủ một phần”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc phân tích và lưu ý: “Nếu trao quyền tự chủ hoàn toàn khi họ chưa đủ khả năng, khác nào đem con bỏ chợ”.

Tranh luận lại, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo khẳng định việc bà đề xuất mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường là có căn cứ vì trong quy định của luật trước đây đã có quy định này và đây là xu hướng của các nước trên thế giới. “Tuy các trường tự chủ nhưng nhà nước vẫn phải có cơ chế giám sát”, bà Thảo nhìn nhận.

Cùng tranh luận lại ý kiến của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) không phản đối nhưng cho rằng đề xuất “giao các trường phổ thông chịu trách nhiệm về học thuật” là rất khó khả thi, đặc biệt là trong việc chọn sách giáo khoa.

Dẫn lại quy định trong dự thảo luật là “một môn học có thể có nhiều sách giáo khoa, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong giảng dạy”, ông Trí cho rằng quy định này thoạt nghe thì đúng nhưng thực tế rất khó thực hiện đại trà cho nền giáo dục Việt Nam. “Tôi đề nghị cần sửa lại hệ thống giáo dục giáo khoa chỉ có bộ sách giáo khoa theo chuẩn quốc gia, phù hợp với các cấp, các bậc phổ thông trên cả nước”, đại biểu của Hà Nội nói.

Giáo dục mầm non còn nhiều bất cập

Đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cho rằng, thời gian qua, dường như chúng ta quá tập trung vào đầu tư cho bậc học trên, mà quên bậc học mầm non. Thực trạng bậc học mầm non hiện nay có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Nhiều nơi, hệ thống cơ sở vật chất giáo dục mầm non vừa thiếu lại vừa yếu

"Chúng ta yên tâm sao được khi hàng năm bậc học mầm non tăng thêm 250 nghìn cháu, trong khi trường lớp vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều nơi các cháu chưa đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ thì làm sao có được thế hệ công dân khỏe mạnh về thể chất, lẫn tâm hồn”, nêu vấn đề này, bà Bình đề nghị: "Cần quan tâm bậc giáo dục mầm non, theo đó cần phải khẳng định rằng đây là bậc học đầu tiên, cũng là bậc học quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân trong việc nâng cao tầm vóc, trí tuệ Việt. Cần ưu tiên miễn học phí, đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa, nâng cao trình độ, đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên mầm non và các cô nuôi dạy trẻ hoàn thành vai trò của mình".

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận) giáo dục mầm non còn nhiều bất cập khi tình trạng bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, thiếu trường lớp, giáo viên đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… Song hiện nay vấn đề này chưa được xem xét bổ sung, do đó luật cần nghiên cứu bổ sung giáo dục mầm non cho phù hợp.