Đừng để "kiếm củi ba năm, đốt một giờ"

ANTD.VN - Tôi rất không đồng tình với cái cách mà người ta cứ bênh vực những “người của công chúng” hiện giờ.

- “Người của công chúng” tức là ngôi sao, ca sĩ, diễn viên ấy hả?

- Không, là những người bất đắc dĩ trở nên “nổi tiếng” vì các bê bối liên quan đến hành vi của họ kia. Kiểu như một thầy giáo, cô giáo bỗng chốc được cả thành phố biết tên, tỏ mặt chỉ vì có vấn đề trong quan hệ thầy trò, cô trò; hay một “công bộc” đột nhiên xuất hiện trên truyền thông vì có thái độ quan trên, “hành” dân chẳng hạn.

- À, ý ông nói “bênh vực” là việc sau khi bê bối vỡ lở, người ta lại lật hồ sơ lý lịch, quá trình công tác và cố giải thích rằng nhân vật đó vốn có phẩm chất tốt, năng lực không tồi, được nhiều đồng nghiệp và bạn bè yêu quý..., còn hành vi không tốt chẳng qua là do một lý do đột xuất nào đó, hay nóng giận tức thời, có đúng không?

- Đúng vậy. Cái kiểu xuê xoa, nương nhẹ như vậy không chấp nhận được, nó chỉ khiến cho văn hóa ứng xử ngày một xuống cấp, rồi dần dà sẽ làm hỏng cả một thế hệ chứ không chừng.

- Tôi thì lại nghĩ, tại sao người ta cứ nhìn vào một việc làm xấu của ai đó để đánh giá về cả con người họ? Như thế không phải quá khắt khe và bất công hay sao? Ai nắm tay được cả ngày?

- Phải nhớ rằng danh tiếng có thể được gây dựng suốt hàng chục năm, nhưng sẽ bị đánh đổ chỉ vì một việc làm sai trái. Các cụ chẳng đã nói “kiếm củi ba năm, đốt một giờ” đấy thôi. Có thể hơi khắt khe với bản thân người mắc lỗi, nhưng buộc phải khắt khe vì đấy sẽ là bài học để những người khác nhìn vào mà rút kinh nghiệm, để rồi quyết định cách sống của mình. Cứ ngay thẳng và chính trực thì ai bẻ cong mình được?