Hàng Việt: Từ sản xuất, phân phối tới tiêu dùng:

Đừng để khách hàng ngoảnh mặt

ANTĐ - Hơn 3 năm chính thức triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày càng có nhiều người tiêu dùng “mặn mà” hơn với hàng Việt. Tuy nhiên, việc sử dụng hàng đôi khi vẫn chưa là lựa chọn “ưu tiên”, bởi chất lượng, giá cả, hệ thống phân phối hàng sau hơn 3 năm được người tiêu dùng “nhiệt tình góp ý” vẫn chưa được cải thiện.

Nắm bắt xu thế để làm chủ thị trường

Chưa hiểu rõ người tiêu dùng 

Tại cuộc hội thảo về hàng Việt được Bộ Công Thương tổ chức ngày 18-9 về “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội cho rằng, sự ra đời hàng loạt cửa hàng quần áo thời trang “made in Việt Nam” là một điểm nhấn của cuộc vận động. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam được người tiêu dùng tín nhiệm như: hàng gia dụng, quần áo, giày dép… Tuy nhiên, người tiêu dùng lại có cảm giác hẫng hụt ở chính điểm nhấn này khi nhiều cửa hàng “made in Việt Nam” bán lẫn lộn hàng Trung Quốc, hàng xách tay giá rẻ… 

Trong con mắt của người tiêu dùng Việt, dù ý thức dùng hàng Việt đã có trong tư tưởng, song nếu thẳng thắn đánh giá thì “sản phẩm hàng hóa Việt Nam hầu như chưa tạo được sự tin tưởng, yên tâm, hài lòng khi sử dụng”. 

Phải chăng, doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được ý nguyện của người tiêu dùng? Có lẽ, 83% người tiêu dùng Việt Nam muốn được tiêu dùng hàng Việt nhiều hơn trong tương lai đang hy vọng vào sự “hiểu ý” này.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh- Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, “chất lượng” được  hiểu theo nghĩa rộng hơn là “chất lượng cảm nhận” sau khi người tiêu dùng trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Bà Chi nói rõ hơn: “Người tiêu dùng vẫn có cảm giác “mong manh” đối với hàng Việt về kiến thức, nhận biết, độ tin cậy, chất lượng giá cả…”. 

Thiếu kết nối sản xuất- phân phối

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart nêu một thực tế đáng suy nghĩ. Hiện nay, các nhà sản xuất lớn thường chọn cho mình đại lý cấp 1, cấp 2 là nhà phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường mà không chọn hệ thống siêu thị. Do đó, siêu thị phải lấy lại hàng từ các đại lý cấp 1. Quy trình đưa hàng từ nhà sản xuất đến siêu thị phải cộng thêm cả phần lãi gộp của đại lý. Kèm theo đó là các khoản chi phí như: quảng cáo, vận chuyển… khiến giá hàng Việt Nam cao, cạnh tranh kém so với hàng nhập ngoại cùng chủng loại. Những khúc mắc trong sản xuất- phân phối hàng Việt Nam đã tồn tại từ lâu chứng tỏ nhà sản xuất đã biết nhưng chưa khắc phục. 

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng hàng Việt đang bị trung gian lũng đoạn thị trường. Chất lượng, giá cả hàng Việt méo mó hơn sau những lần “sang tay” này. Nhà bán lẻ biết nhưng bất lực. Nhà sản xuất biết nhưng chưa hành động để cắt đứt những đoạn khúc không cần thiết này? 

Trước khi đưa ra thị trường một sản phẩm mới, nhà sản xuất đã có cuộc khảo sát, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của cuộc khảo sát này vẫn chưa được kiểm chứng. Thế nên, hàng Việt bên cạnh những lời khen vẫn còn không ít phàn nàn về chất lượng, giá cả- 2 tiêu chí hàng đầu khiến người mua quyết định lựa chọn sản phẩm nào đó. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu phản hồi của khách hàng sau khi dùng sản phẩm cũng hết sức hời hợt, qua loa, dẫn đến nhà sản xuất không hiểu được người tiêu dùng muốn gì, cần gì? Đây là một trong những nguyên nhân khiến những khiếm khuyết của hàng Việt dù đã được người tiêu dùng nhiều lần lên tiếng nhưng vẫn chậm được khắc phục, sửa chữa, người tiêu dùng vì thế mà chán nản, thấy “mong manh” về hàng Việt.

Trong lúc này, dù tiêu dùng nội địa có giảm, nhưng thị trường nội địa vẫn là bến đỗ an toàn cho các doanh nghiệp sản xuất. Với lợi thế về dân số đông và trẻ, việc các doanh nghiệp Việt Nam hờ hững với góp ý của khách hàng, và “không chịu” vượt qua rào cản phân phối sẽ tiếp tục đánh mất những khách hàng chung thủy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tiếp tục tung ra thị trường những cái mà mình có, nhưng lại không được người tiêu dùng ngó ngàng tới.