Đừng để học sinh quay lưng với môn lịch sử

ANTĐ - Sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 mà không có môn lịch sử, đặc biệt, sau sự việc học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé đề cương môn lịch sử, nhiều nhà khoa học, những thầy cô tâm huyết với bộ môn lịch sử và các bậc phụ huynh hết sức lo ngại về chuyện dạy sử, học sử trong nhà trường hiện nay.

Những điểm “0” báo động

Sự việc học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé giấy rải trắng sân trường, trong đó có đề cương môn lịch sử vì không thi tốt nghiệp môn này khiến dư  luận xôn xao những ngày qua, đã cho thấy quan niệm "thi gì, học nấy" đang tồn tại ở hầu hết các trường phổ thông.

GS.NGND Đinh Xuân Lâm nói: “Điều đó là không tốt, lâu nay tôi đã từng phát biểu nhiều trong các cuộc hội thảo về vấn đề này. Tôi cho rằng tội là của người lớn chứ không phải tội của thanh niên. Chính vì chúng ta không làm đúng nên học sinh nhận thức không đúng về vị trí của môn lịch sử".

Học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, TPHCM xé đề cương môn lịch sử 


Năm 2011, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của nước ta cũng đã chứng kiến hàng nghìn điểm 0 môn môn lịch sử. Đây là điều đáng tiếc khi rất nhiều người trẻ không hiểu biết về lịch sử dân tộc. Sau sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên trong việc dạy môn lịch sử.

PGS.TS Đào Tuấn Thành - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư  phạm Hà Nội chia sẻ: “Chúng ta phải xây dựng một chương trình mới, làm sao phải cởi trói cho giáo viên, tạo cơ sở pháp lý để người giáo viên trực tiếp đứng lớp có khả năng sáng tạo, không quá lo lắng việc dạy đúng lịch trình mà Bộ quy định”.

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức các hội thảo toàn quốc về dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông vào tháng 8 năm 2012. Trong hội thảo đó đã bàn bạc lại việc đánh giá nội dung chương trình sách giáo khoa lịch sử hiện nay và đề xuất định hướng biên soạn sách giáo khoa lịch sử sau 2015 như thế nào, để ứng yêu cầu của phát triển năng lực người học".

Thay đổi như thế nào!?

Đã có nhiều ý kiến đưa ra về việc soạn thảo lại giáo trình môn lịch sử và đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy. Và trên thực tế, lâu nay, nhiều học sinh luôn học môn lịch sử theo cách “đối phó”. Tại sao lại như vậy? Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra khi phỏng vấn các học sinh, sinh viên.

Bạn Phạm Văn Trường, học sinh lớp 12 đang ôn thi vào Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Học cấp 3 mình chủ yếu học các môn tự nhiên để thi đại học, còn các môn xã hội mình học chỉ là phụ, không chú ý nhiều lắm. Nhìn thấy cuốn sách giáo khoa lịch sử dày cộp mà phải học thuộc thì mình không học được, nếu học các ý chính thôi thì cũng không được, vì lịch sử không giống như môn văn, mốc thời gian lịch sử phải chính xác, không bịa, không sáng tạo được”.

Nguyễn Văn Q, học sinh lớp 11, trường THPT Việt Đức, Hà Nội chia sẻ: “Em sợ học môn đấy lắm, khó nhớ các mốc thời gian lịch sử, cứ học xong lại quên. Em học chuyên khối A, nên những môn xã hội em chỉ học để thi cho qua thôi”.

Hiện nay việc học "lệch" giữa các môn tự nhiên và xã hội tại các trường THPT  rất phổ biến


Hiện nay, việc học “lệch” ngay chính tại các trường cấp 3 đã tạo ra “lỗ hổng” không nhỏ về kiến thức môn lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung cho học sinh. Những học sinh chuyên khối A, B... thì không quan tâm các môn xã hội. Hầu hết học sinh cấp 3 khi định hình thi đại học môn nào là chỉ đầu tư học môn đó, chưa kể đến nhiều học sinh mức học trung bình, học kém, họ không định hướng được thi trường nào, ngành nào, và cũng không học chuyên sâu vào môn nào nhưng cũng đăng kí dự thi vào trường đại học nào đó "một lần cho biết". Nhiều học sinh chuyên học khối C cũng học “lệch” trong 3 môn văn, sử và địa, một số học sinh cho rằng, chỉ cần đầu tư học tốt văn, địa để đạt điểm cao sẽ “kéo” môn lịch sử lên.... Và hậu quả như chúng ta đã thấy những “con mưa” điểm “0” trong các kỳ thi đại học vừa qua.

Nguyễn Văn Hiệp, sinh viên trường Đại học Tây Bắc chia sẻ: “Năm học lớp 11 mình còn lúng túng chưa định hướng được sẽ thi trường nào, nhưng rất may hồi đó có thầy giáo trẻ mới về trường dạy môn lịch sử hay quá, vừa hay vừa rất nghiêm khắc, khiến học sinh trên lớp cứ đến giờ là không ai không ai không thuộc bài. Dần dần mình thấy yêu môn lịch sử và lao vào học lịch sử và các môn xã hội để thi khối C. Năm đó, rất nhiều bạn cùng khóa cũng “đam mê” môn lịch sử theo thầy, kéo đến nhà thầy “ùn ùn” để thầy nhờ thầy dạy thêm. Có một nhóm khoảng hơn 10 người, ai nấy đều quyết tâm phải thi vào khoa lịch sử trường Đại học sư phạm Hà Nội 1, nhưng vì khoa đó luôn là khoa “đỉnh” của trường Đại học sư phạm 1, lấy điểm cao nên mình không dám thi, mình chọn khoa lịch sử Đại học Tây Bắc. Bạn bè mình hồi đó không ai đỗ khoa lịch sử ĐHSP1 những cũng đỗ các trường khác với số điểm môn lịch sử rất cao”.

Còn Nguyễn Thị Hà, sinh viên năm đầu Học viện Báo chí Tuyên truyền, quê ở Vĩnh Phúc cho biết: “Mình ôn thi đại học khối C, rất may mắn mình nghe mọi người giới thiệu cô Thu dạy lịch sử ở trường chuyên THPT Vĩnh Phúc dạy hay lắm, mình đến trường đó học thêm môn lịch sử. Quả thật cô dạy rất hay, học rất vào đầu, phương pháp dạy của cô rất đặc biệt, trình bày một bài lịch sử như một bài văn, có thân bài, mở bài và kết luận chặt chẽ, dễ hiểu và dễ nhớ. Cô dạy mình thấy yêu môn lịch sử hơn, mình thi vào trường Đại học báo chí với số điểm môn lịch sử cao nhất 8,5 điểm”.

Đừng để các em quay lưng lại với môn lịch sử

Bên cạnh chủ trương, biện pháp rà soát lại sách giáo khoa lịch sử sao cho phù hợp, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan. Đa số học sinh không “cảm” được môn lịch sử trong quá trình học, điều đó không nên đổ lỗi cho các em, mà do chính người dạy đã không “thổi hồn” được môn lịch sử vào đầu các em. Điều này phụ thuộc vào trình độ kiến thức, phương pháp giảng dạy, và sự “đam mê” môn lịch sử của chính những người dạy. Bên cạnh những giáo viên dạy tốt môn lịch sử, “lôi kéo” được nhiều học sinh “đam mê” môn lịch sử, thì cũng không ít giáo viên dạy lịch sử khiến học sinh học như “nước đổ lá khoai”.

Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, mỗi người Việt Nam đều cần phải hiểu rõ lịch sử của đất nước. Vì vậy, môn lịch sử cần phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông, đồng thòi phải có cơ chế phù hợp trong việc kiểm tra và đánh giá chất lượng dạy và học, để học sinh không quay lưng với môn lịch sử.