Đừng để “gãy cành” mới dạy con

ANTĐ - Để con phát triển tự nhiên không đồng nghĩa với việc buông lỏng hoàn toàn vì ở nhiều lứa tuổi sự biến chuyển tâm lý, hành vi rất khó nắm bắt. Nhiều gia đình đến khi công an gõ cửa, con cái vào tù, nhiều cha mẹ mới ngã ngửa.

Tự do thái quá

Ngày càng nhiều các băng nhóm tội phạm bị bắt khi đang tuổi thanh thiếu niên. Có em chỉ mới 14-15 tuổi nhưng đã “lão luyện” với việc trộm cắp, cướp giật, hiếp dâm… Đáng nói, một số em không hề run tay, nao núng khi phạm tội. Không ít em có bố mẹ đầy đủ, gia đình đủ ăn, đủ mặc, được học hành nhưng vẫn trượt dài. 

Chị Lê Thị Oanh (Hà Đông) làm nghề buôn bán ở chợ, chồng làm xây dựng. Hai vợ chồng có 2 cậu con trai đều ở tuổi “dở ông, dở thằng” 12-17 tuổi và cô con gái 15 tuổi. Chồng hay đi công trình xa, chị dậy từ 5h sáng để lấy hàng,  bù đầu ở chợ đến tận 19h. Về tối mắt với việc nhà, chẳng có thời gian nói chuyện với con. Chị chỉ cấp học phí cho con đi học chứ chẳng biết chúng học hành thế nào, chơi với những ai. Thi thoảng chị nạt nộ con: “Gắng mà học tập, nếu lêu lổng là tao… giết”. Nhưng các con chị đã quá lớn để sợ lời mẹ dọa. Cho đến khi con trai lớn bị nhà trường đuổi học vì kết băng đảng, đánh bạn cùng lớp vỡ đầu thì chị mới “sửng sốt”. Còn cô con gái cũng “yêu” đến mức bụng to như cái rổ úp, chị mới biết. “Sao con cái lại đổ đốn thế. Ngày xưa, bố mẹ có dạy dỗ gì đâu mà mình vẫn nên người. Sao giờ chúng hư hỏng thế” - chị Oanh mệt mỏi. 

Khi nghe mẹ quát mắng, con gái chị đã bỏ nhà đi theo anh người yêu “chở hàng rong” không về, việc học cũng bỏ giữa đường. Cậu con trai bị đuổi học cũng suốt ngày chơi game, rồi lại nằm ườn. Mẹ mắng thì lì mặt, thậm chí còn sửng cồ với mẹ. 

Khi cha mẹ đã buông lỏng quản lý con quá lâu, đến lúc con hư hỏng thì các biện pháp giáo dục “vuốt đuôi” chẳng khác nào “nước đổ lá khoai”.

Mưa dầm thấm lâu

Ông Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn cho biết, trẻ con không tự lớn, cũng không “ngồi chờ” người lớn nhồi nhét vào đầu kiến thức hay quan điểm sống. Ngoài ra, việc các bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến cho con ăn, con học mà thiếu tìm hiểu suy nghĩ của con sẽ nới rộng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Đến lúc cha mẹ muốn nói chuyện với con thì giống như nói với “người ngoài hành tinh”, còn con cũng coi bố mẹ như “ông bô”, “bà khốt” vô cùng lạc hậu, xa lạ. “Thanh thiếu niên không phải bỗng dưng phạm tội. Chúng đều có quá trình diễn biến tâm lý mới dẫn đến hành động. Thậm chí, nhiều em sống trong stress, ức chế đã lâu mà không biết giải tỏa như thế nào. Một số em phạm tội còn xuất phát từ nhu cầu “tự khẳng định” cái tôi của mình, muốn được mọi người biết đến, chú ý đến” – Ông Chất cho biết. 

Trong khi đó, nhà trường chỉ chú trọng dạy tri thức mà coi nhẹ giáo dục nhân cách. Kỷ luật học sinh cũng chỉ dập khuôn theo nội quy cứng nhắc, gây ức chế cho học sinh. Chính vì thế, khi lâm vào những hoàn cảnh bế tắc, tâm lý của các em đều bị xáo trộn, ức chế. Lúc đó, các em tìm sự giải thoát bằng những hành động tiêu cực. 

Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ, hạnh phúc – Viện nghiên cứu Thanh niên) chia sẻ: Khi phát hiện con phạm lỗi, cha mẹ không ngồi lại, nghe con tâm sự, hiểu tâm lý và hành động của con mà thường có những lời nói sỉ nhục nặng nề, trừng phạt đau đớn hoặc kỷ luật quân phiệt như chửi mắng, đe dọa, đánh, cấm ra khỏi nhà, cấm vào mạng, tịch thu điện thoại… Để “huấn luyện lại”, các cha mẹ cũng gấp rút đăng ký cho con các lớp khổ luyện như tham gia các lớp ngoại khóa sống như bộ đội, vào chùa tụng kinh niệm phật… Các biện pháp “cực đoan” như vậy không bao giờ đạt được mục đích. Các em cũng sẽ đáp lại bằng các hành động cực đoan như bỏ nhà ra đi, tụ tập với bạn bè xấu, mắc tệ nạn xã hội. 

Bởi thế, sự dạy dỗ như “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày một chút thì mới có kết quả. Cha mẹ cần giữ chặt “sợi dây” liên hệ về tình cảm, suy nghĩ của con bằng cách thường xuyên lắng nghe, trò chuyện với con. Khi biết con có suy nghĩ lệch lạc thì uốn nắn ngay. Như vậy, cái cây mới thẳng một cách tự nhiên và hài hòa.

Sau khi nghiên cứu về tội phạm giết người từ giai đoạn tháng 1-2007 đến tháng 9-2010 trên 4.000 phạm nhân đang thụ án, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) chỉ ra rằng: tội phạm giết người ở độ tuổi 18-30 là cao nhất chiếm 41%, độ tuổi từ 30-45 chiếm 34%, độ tuổi từ 14-18 chiếm 17%. Tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội cũng ngày càng gia tăng.