Đừng để "em gái mưa" biến thành "bà già mưa"

ANTD.VN - “Mình hợp nhau đến như vậy thế nhưng không phải là yêu! Và em muốn hỏi anh rằng "chúng ta là thế nào?" Rồi lặng người đến vô tận, trách sao được sự tàn nhẫn. Anh trót vô tình, thương em như là em gái”

Lần đầu tiên tôi nghe bài hát "Em gái mưa" là do cậu con trai nhỏ của tôi giới thiệu. Con tôi học lớp 4. Hôm đó cháu nói với tôi rằng: “Bố có biết Hương Tràm không, Soobin Hoàng Sơn không, bố nghe Em gái mưa chưa, bố nghe Đi để trở về chưa...”. Tôi giật mình ngạc nhiên và thầm nghĩ mình già thật rồi.

Tháng ba này là Tháng Thanh niên, và nguyên là một đoàn viên thanh niên, tự hào để avatar trên mạng xã hội với màu áo xanh mà lại không viết bài nào về thanh niên quả thực tôi thấy có lỗi với đoàn. Thế là tôi lại ngồi vào máy tính và viết. Không biết nên viết gì, các báo, đài đã viết hay quá rồi. Nhưng mà nếu bây giờ hỏi các em "xì tin", hỏi giới trẻ xem có nhiều em biết tháng 3 này là Tháng thanh niên không, có biết ngày 26/3 là ngày thành lập Đoàn không, tôi sợ rằng sẽ có không ít người nói không biết, nhất là đối với các em không làm trong cơ quan nhà nước. Vì sao lại như vậy, tôi không thể có sự lý giải nhiều. Tôi chỉ nghĩ rằng, có lẽ nhiều khi mình chưa nghe và chưa thấm những bài hát mà các em đang nghe mà thôi. 

Trong tôi lại văng vẳng lời của ca khúc Em gái mưa... Cách đây không lâu chỉ khoảng 5, 7 năm trước, tôi vẫn còn là một cán bộ đoàn. Và nhiệm vụ quan trọng của cán bộ đoàn là tham dự các hoạt động phong trào ở cơ sở, xuống với đoàn viên, thanh niên của mình. Đoàn viên của chúng tôi đa dạng, đó có thể là các em sinh viên đang học trong trường, những nhân viên an ninh sân bay, những kỹ sư bảo dưỡng tàu bay... Điều đầu tiên và quan trọng gắn bó chúng tôi với đoàn viên thanh niên đó là những lời ca, tiếng hát, những ca khúc mà chúng tôi sẽ hát cùng nhau, sẽ hòa mình vào với nhau và từ đó đoàn viên, thanh niên dần thấy đồng cảm với người bí thư đoàn và với tổ chức của mình.

Năm 2012, tôi may mắn được tham gia hành trình đi thăm quần đảo Trường Sa thân yêu. Chỉ với một cây đàn guitar, mặc dù trình độ chơi còn kém cỏi, chỉ đánh được mỗi nhóm hợp âm Đô trưởng, La thứ, Rê thứ, Son trưởng... Tôi đã hát đến khản đặc cả cổ với anh em bộ đội từ Trường Sa lớn, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Nhà dàn DK1...

Điều kỳ lạ mà tôi nhận thấy, bài hát được anh em bộ đội yêu thích, hát theo nhiều nhất không phải là những ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng. Bài hát mà anh em bộ đội hát bằng cả tâm hồn và tình yêu của mình, đó là bài “Điều giản dị” của nhạc sỹ Phú Quang. “Người yêu ơi, dù mai này cách xa, mãi mãi diệu kỳ, là tình yêu chúng ta. Và ta biết, một điều thật giản dị, càng xa em, anh càng thấy yêu em”. Lời ca da diết, những ánh mắt và tiếng ca tràn đầy tình cảm gửi về hậu phương của anh em bộ đội trên nhà giàn chênh vênh hay trên tàu trực chiến giữa biển khơi luôn đối mặt với kẻ thù rình rập, vẫn vang trong tôi tới ngày hôm nay.

“Và ta biết một điều thật giản dị, càng xa em, anh càng thấy yêu em”. Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn nhận được điện thoại, tin nhắn của anh em, có anh em vẫn còn chiến đấu trên biển, có anh em đã trở về đất liền. “Anh ơi, biết bao giờ anh em mình lại được cùng nhau hát Điều giản dị trên đảo Trường Sa anh nhỉ”...

Tôi hiểu rằng, những lời ca tràn đầy tình yêu thương da diết là những ca khúc được anh em bộ đội rất khát khao, chờ đợi. Và nhiệm vụ của chúng tôi, gọi là nhiệm vụ cũng được là phải nghe, phải hát, phải hiểu được những bài hát mà anh em bộ đội trẻ tuổi, hay anh em đoàn viên thanh niên yêu thích và gắn bó. Và điều may mắn là tôi cũng thích bài hát ấy - bài Điều giản dị.

Cũng trong năm 2012 đặc biệt ấy, tôi vào tham dự một chương trình Hội trại của một nhà trường trong khu vực phía Nam. Các em sinh viên trẻ trung và đầy năng động. Đêm đã khuya lắm, tôi ngồi cùng với các em, quây tròn bên lửa trại. Và chúng tôi cùng nhau hát. Tôi lại một lần nữa hát ca khúc Điều giản dị. Thật kỳ lạ, nhiều em không biết bài hát ấy, nhiều em không hưởng ứng. Khác hẳn với những gì tôi được gặp ở Trường Sa. Tôi nhận ra một điều gì đó.

Hôm đó các em hát rất hay, hát những bài hát mà lần đầu tiên tôi được nghe. “Một cơn mưa đi qua, để lại những ký ức anh và em... Tưởng như rất lạ mà ngờ đâu sao quá quen...”, bài hát tôi ấn tượng nhất, Dấu mưa của Trung Quân Idol. Và còn nhiều bài hát nữa mà tôi không hề biết. Đêm hôm đó tôi ngồi nghe các em hát suốt đêm, các em hát rất nhiều, rất hay. Còn tôi ngồi buồn bã vì không hát được những bài hát ấy. Các em động viên tôi, rằng anh vào đây với chúng em và ở đến giờ này đã là tuyệt vời lắm rồi.

Nhưng tôi hiểu rằng, là một người cán bộ đoàn, điều quan trọng không chỉ là có mặt cùng đoàn viên, thanh niên mà cần phải hiểu anh em đang nghĩ gì hay đơn giản hơn là anh em đang nghe và yêu thích những ca khúc nào. Khi đã có sự đồng điệu về tâm hồn và tôn trọng về sở thích âm nhạc, có lẽ mới có những cơ sở ban đầu để hướng đến những điều lớn lao hơn... Anh em bộ đội ở Trường Sa gian khổ, nhiều trải nghiệm hơn, anh em thích Điều giản dị, các em sinh viên còn đang đi học, cuộc sống ở thành thị với những cơn mưa rào bất chợt rất lãng mạn, phù hợp với tình yêu, các em thích bài hát Dấu mưa.

Ngày hôm nay, lứa chúng tôi đã chia tay màu áo xanh thanh niên. Nhưng trong lòng tôi vẫn luôn suy nghĩ về những bài hát. Ngày hôm nay, các em đoàn viên thanh niên đã hát những bài hát khác. Sau khi được con trai tôi nhắc nhở, tôi đã bắt đầu nghe Em gái mưa.

“Mình hợp nhau đến như vậy thế nhưng không phải là yêu! Và em muốn hỏi anh rằng "chúng ta là thế nào?" Rồi lặng người đến vô tận, trách sao được sự tàn nhẫn. Anh trót vô tình, thương em như là em gái” Tại sao cán bộ đoàn nhiệt huyết như vậy, anh em đoàn viên trẻ trung và năng động như thế, nhưng chưa thể hoàn toàn hòa hợp với nhau.

Lý do thì có nhiều, nhưng tôi chỉ xin có một suy nghĩ để làm lời kết cho những tâm sự ngắn ngủi của mình là anh em cán bộ đoàn từ hôm nay hãy bắt đầu nghe những ca khúc mà đoàn viên, thanh niên trẻ trung của mình yêu thích, dù những ca khúc đó có thể chưa phù hợp với sở thích cá nhân của mình. Lắng nghe để thấu hiểu, để cán bộ đoàn mãi mãi là những “Anh trai mưa, chị gái mưa” của đoàn viên thanh niên chứ không trở thành những “Ông già mưa, bà già mưa” xưa cũ...