"Đừng để dân mang đơn đi loanh quanh cho đời mỏi mệt"

ANTĐ - ĐB Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) nói, với nhiều vụ việc dân sự, người dân phải mang đơn đi nhiều nơi nhưng không được giải quyết nên "phải đi loanh quanh, khiến đời mỏi mệt", phát sinh nhiều chuyện.

Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, việc áp dụng án lệ, vai trò của VKSND… là những nội dung trong Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) sửa đổi được các ĐBQH tập trung thảo luận tại hội trường sáng 15-6.

Về Khoản 2 Điều 4 Dự thảo “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng”, đa số ý kiến nhất trí với quy định này của Dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) vì cho rằng quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp, thể hiện rõ việc Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 15-6

ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến, quy định trên đã giao cho Thẩm phám nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn, song đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn xét xử. ĐB Nguyễn Trọng Trường (đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, quy định tại Khoản 2 Điều 4 là hoàn toàn đúng đắn. Với những vụ việc phức tạp, Tòa án chưa thể giải quyết ngay thì có thể kiến nghị với Quốc hội để xem xét, giải quyết.

ĐB Phạm Văn Hà (Đoàn Nghệ An) phát biểu

Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) nói, với nhiều vụ việc dân sự, người dân phải mang đơn đi nhiều nơi nhưng không được giải quyết nên "phải đi loanh quanh, khiến đời mỏi mệt", phát sinh nhiều chuyện. Vì vậy, quy định tại Khoản 2 Điều 4 là cần thiết. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tòa án phải đào tạo bồi dưỡng thẩm phán giỏi về chuyên môn và có trách nhiệm cao.

ĐB Phạm Xuân Thường (Đoàn Thái Bình) phát biểu

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, mặc dù đây là tư tưởng tiến bộ, là bước tiến mới trong xây dựng Bộ luật TTDS (sửa đổi), song cần cân nhắc kỹ khi đưa quy định này vào trong Bộ luật. ĐB Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 4 vì không khả thi. Quy định này sẽ làm cho số vụ việc người dân gửi đến Tòa án đề nghị giải quyết tăng đột biến.

Về việc áp dụng án lệ, đa số ý kiến cho rằng án lệ là bước tiến mới, phù hợp với xu thế quốc tế. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận án lệ và hình thức, quy trình áp dụng án lệ. ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) bày tỏ quan điểm, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không quy định vấn đề này trong luật thì không không biết phải chờ đến bao giờ mới có án lệ và tập quán pháp.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Về một số nội dung khác trong Bộ luật TTDS, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) phát biểu, nếu Bộ luật TTDS không được xây dựng tốt thì BLDS dù tiến bộ đến mấy cũng bỏ đi. Dự thảo Bộ luật TTDS tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề nhưng chưa khắc phục được toàn bộ vướng mắc hiện tại. Do vậy, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết  các vụ việc, nên quy định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau, phải có quy định trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi án không thi hành án được trên thực tế, đồng thời cần có một chương riêng cho việc giải quyết các vụ việc về lao động – một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của TTDS.