Đừng để bộ máy hành chính phình to, trách nhiệm mơ hồ

ANTĐ - Ngày 7-11, Quốc hội thảo luận tại tổ xung quanh dự án Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Bàn về dự án Luật tổ chức Chính phủ, ĐB Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, chủ thuyết của Luật tổ chức Chính phủ là phải tăng cường chế độ trách nhiệm, quy định rõ được chế độ trách nhiệm của từng vị trí trong nền hành chính quốc gia. 

“Ở các nước, khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra, chỉ một vài giờ sau, người ta xác định được ngay ai là người chịu trách nhiệm. Trong khi luật của ta lại rất mơ hồ, việc xảy ra không biết ai là người chịu trách nhiệm, ai là người liên đới. Chẳng hạn, vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chính quyền địa phương có 3 cấp nhưng không biết trách nhiệm chính thuộc về ai, để rồi sau đó Thủ tướng Chính phủ phải đứng ra xử lý” – ĐB Nguyễn Đình Quyền dẫn ví dụ. 

Nhiều ĐBQH phản ánh tình trạng biên chế trong bộ máy hành chính thời gian qua đang “phình” ra. Đề cập đến số lượng thứ trưởng các Bộ, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Luật Tổ chức Chính phủ cần quy định rõ, mỗi Bộ chỉ nên giới hạn từ 4 - 5 thứ trưởng chứ không để có Bộ lên tới gần 10 thứ trưởng như hiện nay. Cũng về vấn đề này, tại tổ TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, bộ máy hành chính có quá nhiều cấp phó khiến dư luận bức xúc. “Cần phải quy định hạn chế số lượng cấp phó, nâng cao trách nhiệm của cấp trưởng trong các cơ quan hành chính, không biến cấp phó thành cấp hành chính như hiện nay và cấp trưởng việc gì cũng đẩy cho cấp phó làm” – Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM phân tích. 

Về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm nhất là bỏ hay giữ lại mô hình tổ chức HĐND cấp quận, phường. Tại tổ Hà Nội, đa số ĐBQH không tán thành việc bỏ HĐND cấp quận, phường. 

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho biết, khi ĐBQH đi tiếp xúc cử tri, có đến 2/3 số ý kiến cử tri phản đối việc bỏ HĐND cấp quận, phường, do đó nên đưa nội dung này ra khỏi dự luật. Bỏ HĐND cấp cơ sở sẽ khiến tiếng nói, quyền lực giám sát của nhân dân với chính quyền yếu đi, việc điều hành của chính quyền địa phương càng dễ nảy sinh tiêu cực. Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thị An nói: “HĐND có chức năng giám sát, chính quyền các phường, quận làm rất nhiều việc mà lại không có HĐND giám sát thì không ổn”.