Dừng đà giảm, giá vàng liệu có phục hồi trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sau nhiều phiên bị bán tháo liên tục, giá vàng dường như đã tìm lại được sự hỗ trợ khi đồng USD giảm và lực cầu bắt đáy xuất hiện.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư trên thị trường Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam ), hợp đồng vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.810,41 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cũng được cộng thêm 0,3% lên 1.809,10 USD/oz.

Trong nước, sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua với mức giảm dao động từ 600 – 750 nghìn đồng mỗi lượng, sáng nay đà giảm của giá vàng cũng đã chững lại, thậm chí một số doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng nhẹ.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc đầu giờ sáng tăng nhẹ 50 nghìn đồng mỗi lượng vàng SJC nhưng sau đó quay đầu điều chỉnh trở lại và hiện đang giữ mức giá chốt phiên hôm qua, tại 54,25 – 54,80 triệu đồng/lượng (TP.HCM); 54,25 – 54,82 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Giá vàng đã chững đà giảm

Giá vàng đã chững đà giảm

Trên thị trường tự do, các doanh nghiệp và ngân hàng đang duy trì mức giá mua vào vàng SJC dao động trong khoảng 54,15 – 54,30 triệu đồng/lượng; giá bán ra trong khoảng 54,70 – 54,85 triệu đồng/lượng.

Kể từ đầu tuần, giá vàng đã giảm liên tục trước những thông tin tích cực về vaccine Covid-19. Tuy nhiên, đến hôm nay, kim loại quý này đã nhận được một số thông tin hỗ trợ như: Động thái chốt lời của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và chuyển dòng tiền qua “bắt đáy” vàng; đồng USD giảm điểm sau thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ cao hơn dự báo…

Một sự kiện cũng được giới đầu tư quan tâm, đó là việc ông Joe Biden lựa chọn bà Janet Yellen – Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho vị trí Bộ trưởng Tài chính đã xoa dịu thị trường trong ngắn hạn. Người ta tin rằng bà Yellen có thể kết hợp rất tốt với Cục Dự trữ Liên bang để kích thích nền kinh tế.

Vì vậy, bất chấp những lập luận bi quan về vàng, không ít phân tích vẫn tin rằng môi trường tích cực với vàng sẽ vẫn duy trì trong dài hạn. Số trường hợp mức nợ tăng cao do cuộc khủng hoảng coronavirus gây ra không thể biến mất chỉ trong 1 đêm. Và cũng không có khả năng các chính phủ và ngân hàng trung ương rút tiền hỗ trợ sớm cho nền kinh tế.