Dùng Công Phượng "đánh bóng" cho Thai-League...

ANTD.VN - ...Đó là cách mà từ giới truyền thông Thái Lan, các đội bóng ở Thai-League và những ông chủ của họ vừa làm, khi tung tin "sẵn sàng mua Công Phượng giá 3 triệu USD".

Thông tin "có CLB muốn mua Công Phượng giá 3 triệu USD" từng xuất hiện 3 năm trước, khi đội trưởng U19 Việt Nam tạo cơn sốt cho người hâm mộ tại giải U19 Đông Nam Á. Thế nhưng đến nay đó vẫn dừng ở tin đồn, còn thực tế giá trị của Công Phượng chỉ dao động ở mức 130.000-300.000 USD, theo định giá của chuyên trang chuyển nhượng uy tín hàng đầu thế giới - Transfermarkt.

Ba năm sau, khi giải vô địch quốc gia Thái Lan (Thai-League) mở cửa cho phép cầu thủ Đông Nam Á được phép đăng ký với tư cách nội binh, Công Phượng một lần nữa được đưa "lên sàn" và báo chí xứ Chùa Vàng đưa tin đích danh đương kim vô địch nước này, CLB Buriram sẵn sàng bỏ ra 3 triệu USD để mua tiền đạo HAGL.

Công Phượng bị biến thành công cụ để đánh bóng thương hiệu cho CLB Buriram lẫn Thai-League

Với doanh thu gần 30 triệu USD mỗi năm, Buriram đủ tiềm lực tài chính để mua một cầu thủ 3 triệu USD. Vấn đề là người được chọn phải xứng với giá trị đó.

Xét về chuyên môn, Công Phượng khó có thể so sánh với tiền đạo đội trưởng ĐTQG Thái Lan, Teerasil Dangda - người vừa chuyển sang chơi cho CLB Sanfrecce Hiroshima. Đội bóng đang chơi ở J-League 1 (Nhật Bản) muốn mua đứt Dangda với giá 2,5 triệu USD nhưng CLB Muangthong United (Thái Lan) không đồng ý bán mà chỉ cho mượn.

Mua đứt ngôi sao Thái Lan, Dangda với giá 2,5 triệu USD hay bỏ 3 triệu USD cho bản hợp đồng có thời hạn với Công Phượng của Việt Nam, hẳn những người không chuyên về kinh tế thể thao cũng đã có câu trả lời, chứ chưa cần tới các nhà làm kinh tế bóng đá lọc lõi của Buriram động não.

Vậy tại sao lại xuất hiện thông tin Công Phượng được Buriram đề nghị giá 3 triệu USD, thậm chí một tờ báo Thái Lan còn khẳng định chắc nịch rằng thông tin đó phát ra từ chính lãnh đạo đội Buriram?

Trước câu hỏi này, có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thể trả lời cặn kẽ. Song có một thực tế nhãn tiền, đó là sau khi thông tin thương vụ "hờ" này được tung ra, cái tên Buriram được cả làng bóng Đông Nam Á biết và nhắc đến. Và xét về khía cạnh làm thương hiệu, Buriram đang rất thành công. Nó cũng giống như 3 năm trước, thông tin "có CLB muốn mua Công Phượng giá 3 triệu USD" được tung ra, dù chỉ dừng ở tin đồn song đã giúp cho HAGL không chỉ được lợi về mặt thương hiệu mà còn kèm theo nhiều giá trị vật chất khác, như giá trị cổ phiếu HAGL trên sàn chứng khoán chẳng hạn.

Việc Công Phượng sang Buriram đá Thai-League 2018 gần như chắc chắn không xảy ra như phân tích giá trị ở trên cũng như xác nhận từ phía HAGL rằng "chưa có CLB nào đặt vấn đề đưa Công Phượng sang Thai-League cả". Nói cách khác thì đó chỉ dừng ở tin đồn, nhưng nó lại rất tác dụng khi đánh trúng tâm lý tò mò, ngộ nhận về giá trị cầu thủ Việt của một bộ phận làng bóng Việt.

Chỉ bằng một tin đồn mà có thể đánh bóng thương hiệu cho CLB Buriam lẫn Thai-League, phải chăng bóng đá Thái Lan đã thêm một lần chiến thắng bóng đá Việt Nam?

Thái Lan xuất khẩu cầu thủ sang J-League

Sau tiền vệ Chanathip về Consodole Sapporo, tiền đạo Dangda về Sanfrecce Hiroshima, một CLB khác cũng thuộc J-League 1 (giải đấu cao nhất của Nhật Bản) là Vissel Kobe đã gửi thư mời hậu vệ Theerathon Bumathan về đầu quân. Ba cầu thủ trên đều thuộc biên chế của CLB Muangthong (Thai-League) và đều là những trụ cột của tuyển Thái. Nếu “phi vụ” về Vissel Kobe này thành công thì đội trưởng tuyển Thái Lan sẽ là đồng đội của cựu tuyển thủ Đức, Arsenal, Galatasaray Lukas Podolski, đang đầu quân ở đó. Chanathip mới đầu quân cho Sapporo từ tháng 7-2017 song đã ra sân 16 trận, trong đó 15 trận đá chính.

Bóng đá Việt Nam cũng từng xuất khẩu cầu thủ sang Nhật Bản, chơi ở giải hạng 2 là Công Phượng sang Mito Hollyhock và Tuấn Anh khoác áo Yokohama. Nhưng cả hai sớm phải về nước sau một mùa giải thường xuyên ngồi dự bị.