Dùng công nghệ đối phó với nạn ăn cắp bản quyền

ANTĐ - Trong thời đại công nghệ số, nạn ăn cắp bản quyền diễn ra tràn lan và là nỗi lo thường trực của các nghệ sỹ sáng tác, các công ty sở hữu bản quyền... Để ngăn chặn tình trạng này, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc được chia sẻ tại diễn đàn bản quyền tác giả Việt Nam - Hàn Quốc 2016, Việt Nam cần chuẩn bị công nghệ để đối phó. 

Các ca khúc nổi tiếng được “hồn nhiên” sử dụng tràn lan trên mạng

“Trứng chọi với đá”

Thế giới số làm con người dễ dàng thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, các chương trình truyền hình hấp dẫn và sinh động. Bên cạnh các trang mạng xã hội như Youtube,   Facebook, các trang web đã và đang là những cuộc cách mạng trong đời sống tinh thần của người dân.

Ngoài các tiện ích, mặt trái của công nghệ số tạo điều kiện cho nạn ăn cắp bản quyền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Một bộ phim nổi tiếng được chiếu độc quyền trên kênh truyền hình K+ thì chỉ ít ngày sau, các trang web giải trí đã quay lại và phát tán.

Ca khúc của nhạc sỹ cả đời mới có được chỉ sau 1 phút xuất hiện trên mạng thì lập tức, tác phẩm ấy bị ăn cắp và chia sẻ tràn lan trên các diễn đàn, các website… Cư dân mạng cứ “hồn nhiên” ăn cắp và không ý thức được hành động của mình đã vi phạm bản quyền. Chưa kể, có những hành vi sử dụng công nghệ cao để cố tình ăn cắp và thu lời bất chính. 

Đối với mạng xã hội như Youtube, Facebook, Google, để ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền, các đơn vị sản xuất như BHD, K+ sẽ phối hợp với đại diện của các mạng xã hội để tiến hành rà soát, kiểm tra những hành vi vi phạm bản quyền. Kết quả thu được khá khả quan. Tuy vậy, với các website thì việc ngăn chặn vô cùng phức tạp. Việc rà soát lỗi vi phạm được thực hiện bằng tay, không có công nghệ hỗ trợ. Nói cách khác, các đơn vị sản xuất đang đấu tranh với nạn ăn cắp bản quyền theo lối “trứng chọi với đá”.

Ngay như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đơn vị được ủy quyền lên tới 127.000 tác phẩm nhạc Việt Nam và các kho tác phẩm quốc tế được đăng ký trên mạng Mis@Asia và Cis-Net, việc rà soát các hành vi ăn cắp bản quyền tác giả cũng đều làm theo lối thủ công. Lỗi này là do nguồn nhân lực của trung tâm chưa có kiến thức và kỹ năng theo kịp môi trường số. Phần nữa, trung tâm không có đủ kinh phí để đầu tư công nghệ, thuê người viết phần mềm riêng, lọc ra các trang website vi phạm bản quyền âm nhạc. 

Nâng cao nhận thức cho người dân

Hàn Quốc, đất nước có nền công nghiệp giải trí phát triển cũng đang đấu tranh với việc vi phạm bản quyền, đã tìm ra nhiều cách làm hay. Trong đó, Hàn Quốc đặt trọng tâm phát triển công nghệ để đối phó với hành vi sử dụng công nghệ cao nhằm ăn cắp bản quyền. Đó là mô hình liên kết giữa công nghệ kiểm tra vi phạm tác quyền (tìm và chặn vi phạm), công nghệ lưu thông nội dung, công nghệ quản lý nội dung, công nghệ phòng tránh vi phạm tác quyền.

Theo bà Đoàn Thị Hương, Giám đốc khu vực miền Bắc-Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, “các chương trình phần mềm tìm và ngăn chặn vi phạm của Hàn Quốc rất thông minh, được viết riêng theo đặc điểm nền công nghệ giải trí của đất nước xứ sở Kim chi. Chúng tôi dù rất muốn có được những phần mềm như vậy nhưng lực bất tòng tâm, vẫn sử dụng người để nghe nhạc rồi từ đó phát hiện lỗi vi phạm”. 

Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm đương đầu với vi phạm bản quyền bằng cách nâng cao nhận thức cho người dân. Năm 2015, gần 500 nghìn người dân xứ sở Kim chi đã được đào tạo về quyền tác giả. Biện pháp này đã được các chuyên gia của Việt Nam tại diễn đàn bản quyền tác giả Việt Nam-Hàn Quốc đánh giá là tích cực và thích hợp. Bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm bản quyền đã tỏ ra ngỡ ngàng với lỗi của mình.

Điều đó cho thấy, nhận thức của người dân về vấn đề này còn lơ mơ và chưa đầy đủ. Dù pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ hành lang pháp lý và tương đối đồng bộ như các cam kết quốc tế, quyền tác giả, quyền liên quan trong các nghị định, các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng trong bối cảnh công nghệ số, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật theo kịp với tình hình thực tế luôn là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. 

Bà Phạm Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ: “Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện nội dung quy định pháp lý để Việt Nam thực thi vấn đề bản quyền tốt hơn trong môi trường công nghệ số. Còn về cơ bản, chúng ta đã có những nội dung trong Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan”.