Dùng công nghệ để ngăn chặn "dịch bệnh" thông tin sai lệch về Covid-19

ANTD.VN - Khi dịch bệnh do virus Corona chủng mới lan rộng tại châu Âu và châu Mỹ, kèm theo đó là một “dịch bệnh” khác cũng lan rộng không kém, đó là “dịch bệnh thông tin sai lệch trên mạng”. Cùng với việc tích cực các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cố gắng các biện pháp cần kíp để ngăn chặn sự lây lan của các thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 bằng cách phối hợp với các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google.

Dùng công nghệ để ngăn chặn "dịch bệnh" thông tin sai lệch về Covid-19 ảnh 1Chuyên gia WHO khuyến cáo người dùng mạng xã hội không truyền bá thông tin về Covid-19 từ nguồn tin không đáng tin cậy

Thông tin sai lệch lan nhanh hơn dịch bệnh

Được giới chức y tế  thế giới xem là một “bệnh dịch” nguy hiểm không kém Covid-19, làn sóng các bài viết đăng tải sai sự thật, liên quan đến các thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus Corona chủng mới, những lời khuyên lệch lạc, nguy hiểm về phương pháp điều trị cũng như những bài viết về việc chế tạo vaccine không đáng tin cậy ngày càng lan tràn trên mạng Internet. Nó gây khó khăn cho các quốc gia trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm  này. 

Andy Pattison, người đứng đầu trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa tin giả của WHO cho biết, sau khi chứng kiến sự lan truyền nhanh chóng của các thông tin sai lệch liên quan đến bệnh dịch sởi hồi năm 2018, tổ chức này đã bắt đầu đẩy mạnh truyền thông xã hội và hợp tác với các công ty công nghệ để “gắn cờ” đối với các bài viết có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng. 

Bên cạnh các thông tin tiêu cực, không chính xác về Covid-19 cũng như sự lây lan của nó, WHO đặc biệt quan tâm đến những bài viết về “phương pháp điều trị” hay “cách chữa trị” sai trái, trong đó không ít các bài viết liên quan đến việc phải ăn các thứ nguy hại đến sức khỏe để “trị virus”. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt đối với những người không được tiếp cận thông tin chính xác.

Virus Covid-19 đã lan rộng ra khỏi phạm vi Trung Quốc, nên thông tin sai lệch cũng theo đó lan ra khắp thế giới. “Thông tin sai lệch như một dịch bệnh, thậm chí nó còn lây lan nhanh hơn dịch bệnh thật sự, nó thay đổi và biến động liên tục”, ông Pattison nhấn mạnh. 

Ban đầu, các thông tin sai lệch chủ yếu về nguồn gốc của dịch bệnh này, tuy nhiên sau đó, nó được chuyển trọng tâm sang “phương pháp điều trị” và điều này  nguy hiểm hơn rất nhiều. 

Sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để “gắn cờ” bài viết sai trái

Ngay sau khi xác định dịch bệnh có nguy cơ lan rộng khắp toàn cầu, hồi tháng trước, ông Pattison đã tới Thung lũng Silicon tổ chức một cuộc họp với các công ty công nghệ lớn  như Google, Facebook, Twitter và các trang du lịch như AirBnB, Expedia…  Người đứng đầu cuộc chiến chống lại tin giả của WHO muốn tìm được cách tốt nhất để loại trừ tối đa các thông tin tiêu cực sai trái và đảm bảm cộng đồng mạng sẽ được tiếp cận các thông tin chính xác từ các nguồn tin chính thống tin cậy như WHO hay Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ đầu tiên, trước tất cả các tin giả.

Và cho đến thời điểm hiện tại, Pattion cùng với các cộng sự hàng ngày liên lạc với các nền tảng truyền thông xã hội, “gắn cờ” các bài đăng sai trái cần phải gỡ xuống một cách nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, trong nhóm truyền thông của WHO gồm 30 người, chỉ có 3 người phụ trách công việc phát hiện và “gắn cờ” các bài viết có vấn đề trên các phương tiện truyền thông xã hội. Để tăng cường hiệu quả, họ đã sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ giúp theo dõi các cụm từ nghi ngờ cũng như các tài khoản chính nổi tiếng với thuyết âm mưu. 

Mạng xã hội Facebook hôm thứ ba tuần trước đã tuyên bố sẽ cho phép các tổ chức, trong đó có WHO đăng các thông tin quảng cáo miễn phí để đưa thông tin chính xác cho người sử dụng. Trong một bài viết đăng tải vấn về này, Giám đốc điều hành của Facebook Zuckerberg cho biết, công ty cũng đang thực hiện các biện pháp tăng cường để loại bỏ các tin giả và thuyết âm mưu. 

“Điều quan trọng là mọi người có nơi để chia sẻ kinh nghiệm của mình và trao đổi thông tin về sự bùng phát dịch bệnh, tuy nhiên, khi chúng ta có các các tiêu chuẩn cộng đồng rõ ràng, việc chia sẻ thông tin khiến người khác gặp nguy hiểm thì không ổn”, Zuckerberg chia sẻ.

Pattison cho biết, một số công ty truyền thông xã hội mà ông không tiện nêu tên không có những động thái hỗ trợ nhiều như Facebook hay Google bởi họ “trước đây không phải chịu nhiều “cú đấm”. Tuy nhiên, theo chuyên gia của WHO, “Đây là con dao hai lưỡi, bởi nó không chỉ là vấn đề về thương hiệu mà nó liên quan đến tính mạng con người, là vấn đề mà cả nhân loại đang phải đối mặt”.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, các “ông lớn” công nghệ như Facebook, Google, Twitter, TikTok và những công ty công nghệ khác đang nỗ lực thúc đẩy đến các liên kết với các nguồn đáng tin cậy như từ WHO hay các cơ quan y tế của chính phủ khi người dùng  tìm kiếm các cụm từ liên quan đến “virus Corona”. Tuy nhiên, họ không thể nắm bắt được tất cả các bài viết có thông tin sai lệch, người dùng mạng xã hội vẫn có thể dễ dàng tìm được nhưng thông tin tiêu cực sai trái trên mạng, chẳng hạn như thông tin về virus Corona có liên quan đến sự phát triển của mạng 5G hay virus này là một loại vũ khí sinh học,  hay những thông tin không đúng về vaccine phòng ngừa… 

Vì vậy, chuyên gia y tế Pattison khuyến cáo, đối với người dùng mạng xã hội, chọn lọc nguồn tin và tự bảo vệ mình trước làn sóng tin giả là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại “dịch bệnh” nguy hiểm này.  “Thông tin sai lệch về Covid-19 rất nguy hiểm bởi nó có thể tạo cho mọi người cảm giác an toàn sai lầm, chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh, hoặc gây ra làn sóng hoảng loạn thái quá”, chuyên gia Pattison nhấn mạnh.

Bên cạnh các thông tin tiêu cực, không chính xác về Covid-19 cũng như sự lây lan của nó, WHO đặc biệt quan tâm đến những bài viết về “phương pháp điều trị” hay “cách chữa trị” sai trái, trong đó không ít các bài viết liên quan đến việc phải ăn các thứ nguy hại đến sức khỏe để “trị virus”. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt đối với những người không được tiếp cận thông tin chính xác.