Đừng coi việc chọn trường như "chơi chứng khoán"

ANTĐ - Ngày 23-7, 70 gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ phía Bắc tại ĐH Bách khoa Hà Nội chật kín thí sinh và phụ huynh đến để tìm hiểu về cơ hội trúng tuyển ĐH năm nay. Mặc dù đã biết được kết quả thi nhưng việc lựa chọn đúng trường nào phù hợp mới đem lại cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Tìm cơ hội trúng tuyển trong hàng nghìn thí sinh

Tại gian tư vấn của trường ĐH Ngoại thương, ông Nguyễn Anh Dũng có con dự thi năm nay đạt 25,5 điểm cho biết, ông đã dành vài ngày nay để nghiên cứu mức điểm của hàng chục nghìn thí sinh có mức điểm trên dưới con mình.

“Gia đình mong muốn con đỗ vào ĐH Ngoại thương. Với mức điểm của con tôi năm nay, khả năng đỗ vào các ngành được ưa chuộng như kinh tế khá chấp chới. Tôi đã nghiên cứu mức điểm của hàng chục nghìn thí sinh thấy con mình có cơ hội nhưng chỉ lo các thí sinh khác được cộng quá nhiều, điểm ưu tiên thì con mình sẽ bị đẩy lùi lại, trong khi lại không có cơ hội rút lại hồ sơ đăng ký”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Năm nay các gian tư vấn của các trường ĐH lớn như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Bách khoa Hà Nội… rất đông thí sinh và phụ huynh đến nghe tư vấn. Điều mà các thí sinh và phụ huynh hỏi nhiều nhất là với mức điểm của con em mình thì cơ hội đỗ vào những ngành nào. Bên cạnh đó, những thay đổi trong cách đăng ký xét tuyển năm nay cũng khiến nhiều phụ huynh lúng túng.

Ông Nam Nhật Minh, Phó trưởng Phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã trả lời chất vấn của phụ huynh về nguyện vọng xét tuyển năm nay. Theo ông Nam Nhật Minh, một thí sinh có thể đăng ký hai tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng trong một đợt tuyển sinh.  

Một số phụ huynh lại lo lắng và thắc mắc nếu thí sinh nộp quá nhiều nguyện vọng thì làm thế nào kiểm soát được, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh? Ông Nam Nhật Minh cho biết, nếu thí sinh đăng ký trực tuyến thì thông tin sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu và hệ thống này sẽ không cho phép thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Những hồ sơ của thí sinh gửi theo đường bưu điện sẽ được cán bộ tuyển sinh các trường nhập dữ liệu vào hệ thống.

Nếu nguyện vọng nào tới trước được nhập trước, nếu thí sinh nộp quá nguyện vọng cho phép thì nguyện vọng gửi đến sau sẽ không hợp lệ, không được nhập vào hệ thống quản lý trung tâm. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương giải thích: “Nhóm tuyển sinh riêng GX sử dụng hệ thống dữ liệu xét tuyển chung nên sẽ không có tình trạng “trúng tuyển ảo” như năm trước, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn, rút ngắn thời gian xét tuyển”.

Lựa chọn sở thích hay phương án an toàn?

Rất nhiều cơ hội trúng tuyển dành cho các thí sinh tùy theo mức điểm của mình. Tuy nhiên, bài toán cân não với nhiều phụ huynh và thí sinh là dù điểm cao cũng vẫn có thể trượt nếu chọn những ngành cạnh tranh quá lớn.

Theo TS Vũ Viết Bình, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, một số phụ huynh chia sẻ họ tìm kiếm phương án xét tuyển như “chơi chứng khoán”, tức là phải chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn một nguyện vọng vào một  trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, nhưng không tự tin. Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là nguyện vọng số 1.

Lời khuyên mà TS Vũ Viết Bình dành cho các phụ huynh và thí sinh là cần dựa vào sở thích, năng lực và sở trường thực sự của học sinh để lựa chọn chứ không nên coi việc chọn phương án xét tuyển là việc “chơi chứng khoán”. Vì có thể may mắn thí sinh đỗ vào một ngành nào đó, nhưng không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt.

“Rất nhiều thí sinh năm nay, ngoài việc hỏi thông tin về mức điểm đầu vào thì đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đầu ra như với ngành này công việc sau khi ra trường là gì, thích hợp với những vị trí nào”, anh Nguyễn Lê Tuấn, tư vấn viên trường ĐH Ngoại thương cho biết. Theo anh Nguyễn Lê Tuấn thì ngành “hot” nhất của ĐH Ngoại thương mà nhiều người quan tâm nhất là chuyên ngành Kinh tế đối ngoại với mức điểm chuẩn cao nhất năm ngoái là 26,25 do đầu ra có thể đảm nhận nhiều vị trí như xuất nhập khẩu, hải quan…

Trước nhiều thắc mắc về mức tuyển đầu vào, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, hiện chưa đủ thông tin để đưa ra nhận định mức điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, năm nay có đặc thù điểm 7-8 nhiều nên các trường có điểm đầu vào ở mức này sẽ khó xác định điểm trúng tuyển. Những trường tốp đầu sẽ không có nhiều điều chỉnh so với điểm tuyển năm trước.

Nhóm trường GX gồm 9 trường đại học, bao gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội,  trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Xây dựng, trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Thủy lợi, trường ĐH Giao thông Vận tải, trưởng Đại học Mỏ - Địa chất, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải.