Đừng coi thường hội chứng tiền kinh nguyệt

ANTĐ - Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra với hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng những hệ lụy của nó không hề đơn giản.

PMS có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống khiến bạn cảm thấy sợ hãi khi "ngày ấy" đến
(Ảnh minh họa)

Sợ hãi khi “đèn đỏ” gõ cửa

Vân (công nhân may, Hà Nội) mấy hôm nay rất dễ cáu, giận dù nguyên nhân chỉ là những chuyện vặt nhỏ xíu vẫn xảy ra hàng ngày với các bạn cùng phòng ở phòng trọ. Những cơn đau bụng vì… “đến ngày” kéo đến khiến Vân mệt mỏi, nằm thu mình trên giường và cảm thấy bản thân không còn chút sức lực nào để làm bất cứ việc gì. Vân đã phải xin nghỉ ốm vài ngày. Cô không biết mình đang gặp rắc rối bởi hội chứng tiền kinh nguyệt.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome - PMS) xảy ra với hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Biểu hiện của nó thường nhẹ nhàng và đa số chị em đều có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, một số người cảm thấy rất đau khổ khi hội chứng này tác động mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống của họ. Với những người mắc bệnh hen suyễn hoặc đau nửa đầu thì PMS có thể làm cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ tồi tệ hơn rất nhiều.

Một số nguyên nhân được chỉ ra dưới dạng các giả thuyết như: Sự thay đổi hoóc môn nội tiết tố nữ (progesterone, estrogen). Trước khi có kinh nguyệt nồng độ estrogen trong cơ thể giảm xuống dưới mức trung bình. Thay đổi serotonin trong não – serotonin điều hòa sản xuất hoóc môn nội tiết tố nữ; khi nồng độ serotonin bị biến đổi sẽ làm mất cân bằng giữa progesterone và estrogen, làm chậm quá trình rụng trứng gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt.

Một số trường hợp có nguy cơ từ yếu tố gia đình do có người mắc bệnh trầm cảm, bản thân người phụ nữ có tiền sử bị trầm cảm (như rối loạn cảm xúc sau sinh, bệnh trầm cảm…); người ít hoạt động, ăn uống kém, dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu vitamin (E, B6…) và một số khoáng chất khác (magie, mangan…). Căng thẳng tâm lý – stress, sử dụng các chất kích thích như caffeine, rượu, thuốc lá… và thói quen ăn nhiều đồ ngọt, đồ mặn cũng được xem là nguyên nhân làm cho hội chứng tiền kinh nguyệt tăng lên.

PMS có thể dẫn đến trầm cảm

Theo một nghiên cứu được chỉ ra có đến 85% phụ nữ Hoa Kỳ có hội chứng tiền kinh nguyệt. Với phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, các triệu chứng của PMS kéo dài. Có khoảng 3-6% phụ nữ bị rối loạn trầm trọng, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder - PMDD) dễ dẫn đến hội chứng trầm cảm. Họ thường cảm thấy rất buồn rầu, tuyệt vọng, thậm chí có ý tưởng tự sát. Bên cạnh đó là trạng thái buồn bã hoặc luôn căng thẳng, suy nghĩ cực đoan, lo lắng với những cơn tấn công hoảng sợ, cảm xúc bất ổn và trầm cảm dai dẳng. Một số người cảm thấy mình không có chút sức lực, năng lượng nào nên không còn hứng thú với công việc và giao tiếp với mọi người.

Các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ chấm dứt khi phụ nữ hết tuổi sinh sản. Tuy nhiên, một số người vẫn còn triệu chứng trên thì có thể đã mắc bệnh trầm cảm và bắt buộc phải điều trị đầy đủ và kiên trì mới khỏi bệnh.

Thường xuyên tập thể dục giúp cải thiện những hệ lụy từ PMS

Giải pháp cho PMS

Mục đích điều trị PMS chủ yếu là làm giảm các triệu chứng gây khó chịu cho người phụ nữ. Tuy nhiên, khó có thể điều trị dứt điểm hội chứng này và cũng không có một “giải pháp chung” nào cho tất cả những người mắc nó.

Bản thân chị em nên tự mình ghi nhận những dấu hiệu, thời điểm có các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt và thông báo cho những người thân trong gia đình biết để có những lưu ý, tìm cách khắc phục giúp giảm thiểu các triệu chứng của PMS.

Bên cạnh đó, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tăng cường các loại đậu (sữa đậu nành có nhiều chất isoflavon, tương tự như estrogen có tác dụng rất tốt), rau xanh và trái cây; giảm chất đạm, chất béo. Không nên ăn quá no mà nên chia làm nhiều bữa. Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Sử dụng thêm vitamin nhóm B, E và một số khoáng chất như magiê, kẽm, canxi. Hạn chế dùng các chất kích thích như: cà phê, rượu, bia, nước chè, thuốc lá...

Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng giúp não tăng cường sản xuất endorphins làm giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn. Có thể tập yoga để tăng cường sức đề kháng, làm cho tinh thần thư thái, giảm thiểu các triệu chứng gây khó chịu.

Cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày và đừng quên giấc ngủ trưa giúp ổn định thần kinh và tim mạch. Có thể ngâm mình trong nước ấm trước khi ngủ 30 phút để dễ ngủ hơn và có giấc ngủ sâu hơn.

Không nên đứng quá lâu để giảm căng mỏi chân, đau bụng, đau lưng...

Nên đi khám tại các cơ sở sản phụ khoa để được hướng dẫn phòng chữa bệnh. Có thể dùng một trong các chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm đau, lợi tiểu để giảm phù,

Trường hợp mắc PMS nặng và không có nhu cầu sinh đẻ có thể phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng. Tuy nhiên, giải pháp này ít áp dụng.

Các triệu chứng của PMS thường xảy ra tại cùng một thời gian trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ mỗi tháng, có thể lên đến hai tuần trước kỳ kinh của bạn bắt đầu. Chúng thường được cải thiện khi bạn bắt đầu hành kinh và sau đó biến mất cho đến khi chu kỳ được lặp lại.

Theo www.nhs.uk