Dũng cảm nhìn thấy trách nhiệm

ANTĐ -  Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Hà Nội trong 9 ngày Tết vừa qua không hoàn toàn trọn vẹn: đó là trong khi các quận nội thành cơ bản không có tai nạn giao thông nghiêm trọng, thì ngược lại, tai nạn lại xảy ra khá nhiều ở một số địa bàn ngoại thành. 

Việc xảy ra tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân, do khách quan hỏng hóc phương tiện, hạ tầng cơ sở xuống cấp, hoặc do chủ quan ý thức bất cẩn của người điều khiển phương tiện, thiếu quan sát, uống rượu bia khi lái xe, vi phạm pháp luật giao thông. Tìm hiểu những vụ tai nạn giao thông ở địa bàn ngoại thành, có thể thấy, nguyên nhân chính do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Xác định thực trạng tai nạn giao thông, điều quan trọng hơn cả là để đưa ra những biện pháp, đường hướng để giải quyết, kéo giảm tai nạn. Vì sao mấy ngày Tết, nội thành lại ít tai nạn giao thông? Rõ ràng không phải vấn đề áp lực, bởi luôn luôn, nội đô chịu áp lực giao thông cao gấp nhiều lần nội thành. Cũng chẳng phải do hạ tầng cơ sở xuống cấp, bởi ở ngoại thành, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bây giờ cũng đã được bê tông hóa. Vậy thì nguyên nhân do đâu? Ở nội đô, điều chắc chắn, trước hết, là sự ứng trực, cắm chốt, tuần tra thường xuyên của lực lượng chức năng; từ những lỗi nhỏ nhất như không đội mũ bảo hiểm, đến việc tụ tập đua xe trái phép cũng bị phát hiện, xử lý, giải tán kịp thời. Sự có mặt thường xuyên, trách nhiệm của lực lượng chức năng nội đô đã “đánh” thẳng vào ý thức của người tham gia giao thông, và góp phần “nâng” nhận thức giao thông cho mỗi người dân.

Thế mạnh của nội đô có lẽ cũng chính là “điểm yếu” của công tác tổ chức, đảm bảo trật tự giao thông ngoại thành. Địa bàn rộng và nhân lực mỏng luôn là “nguyên nhân” được viện dẫn cho những lỗi vi phạm Luật Giao thông diễn ra khá phổ biến trong những ngày Tết: thanh niên đi xe máy uống rượu, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm. Việc tổ chức lực lượng xử lý vi phạm giao thông ở ngoại thành những ngày Tết “có vấn đề”, đó là điều phải thừa nhận. Cùng với đó, nó còn bộc lộ những tồn tại lớn hơn, là đang thiếu hiệu quả chiều sâu của công tác tuyên truyền pháp luật giao thông nói riêng, và rất thiếu sự chỉ đạo sát sao của chính quyền cơ sở huyện, xã, thị trấn. Việc tôn trọng, chấp hành pháp luật giao thông nếu được “rèn” kỹ từ thôn, xóm, thì tai nạn có thể đã không xảy ra. Dũng cảm nhìn thấy được tồn tại này, thấy được trách nhiệm của người đứng đầu huyện, xã, tai nạn giao thông sẽ có cơ hội giảm!