Dùng cả “chùm chìa khóa”

ANTĐ - Đứng ở thời điểm cuối tháng 6, nhìn lại nửa đầu năm 2012 và nhìn về nửa cuối năm, để đưa ra dự báo tình hình kinh tế cả năm, là một việc không đơn giản và dễ dàng. Căn cứ tình hình 6 tháng qua và những gì đang diễn ra, một số chuyên gia kinh tế có cơ sở để dự báo tốc độ lạm phát cả năm xấp xỉ 5%. Nói về con số thuần túy thì mục tiêu kiềm chế lạm phát đã thành công (kế hoạch đề ra là 8-9%). Song liệu có thoát được cái vòng luẩn quẩn lạm phát tái phát cao vài năm sau?

Theo nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo, năm nay kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn và bấp bênh. Trạng thái này, thậm chí có thể còn kéo dài đến năm 2015. Một nhược điểm lâu nay chưa được khắc phục là không đánh giá đúng thực trạng “sức khỏe” kinh tế trong nước và tác động của kinh tế thế giới, vì thế đề ra mục tiêu tăng trưởng và lạm phát thiếu hiện thực.

Theo nhận xét của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lâu nay chúng ta chủ yếu áp dụng các giải pháp tình thế, ngắn hạn, tập trung vào các giải pháp tiền tệ. Còn các giải pháp căn cơ hơn như tái cơ cấu quản trị, điều hành; tái cấu trúc kinh tế, các giải pháp thị trường hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh nghiệm điều hành kinh tế của nước ta cho thấy, việc áp dụng các giải pháp tình thế, nặng về hành chính là rất cần thiết nhưng tác dụng của nó có giới hạn và nhất thời.

Chẳng hạn CPI sáu tháng đầu năm tăng chậm, thậm chí có dấu hiệu giảm phát, có con số “đẹp” này là do tình hình suy giảm kinh tế đem lại là chính như sức tiêu thụ giảm mạnh, nhất là tiêu dùng cho sản xuất. Bởi vậy, theo ông nguyên Bộ trưởng, nếu không có những giải pháp căn bản hơn, thì rất có thể sang năm 2013 và cả năm tiếp theo lạm phát sẽ bùng phát.

Một chuyên gia kinh tế vĩ mô cho rằng, trước mắt cần tránh “lối mòn”: để chống suy giảm kinh tế mạnh, lập tức lại nới lỏng quá nhanh chính sách tài chính, tiền tệ, vì lạm phát tuy có giảm nhưng chưa thật vững chắc. Lạm phát được đo bằng CPI, lạm phát cao luôn là “căn bệnh” dễ tái phát lặp đi lặp lại và rất khó khăn mới có thuốc trị dứt được chỉ vì chính sách tiền tệ, tài chính không được “cầm cương” chắc chắn. Chính vì căn nguyên này, vị chuyên gia đã khuyến nghị trước mắt không nên chỉ loay hoay với chiếc “chìa khóa” tài chính, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng, mà rất cần sử dụng cả “chùm chìa khóa” cơ cấu, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt, vừa phù hợp chiến lược trung và dài hạn, trong đó cần lựa chọn ưu tiên đích thực. Đặc biệt là hạ tầng thiết yếu nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu hiệu quả, công nghiệp hỗ trợ, việc làm, giáo dục đào tạo nhân lực, công nghệ cao…

Kéo được lạm phát xuống như hiện nay là một thành công. Cũng phải chấp nhận tăng trưởng 5-5,5%, không nhất thiết cố đạt 6%. Mở lối thoát cho nền kinh tế, cần phải dùng cả “chùm chìa khóa” chứ không nên chỉ dùng một chìa tiền tệ.