Dùng bạo lực vì... bất lực

ANTĐ - Khi vợ là trụ cột kinh tế trong gia đình thì lại bị chồng… đánh nhiều hơn, nghịch lý đáng buồn này vừa được chỉ ra trong nghiên cứu mới đây của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Do “kém cạnh”, nhiều người đàn ông đã dùng nắm đấm để hy vọng tìm lại sự “uy nghiêm” cho mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tội... giỏi hơn chồng

Chị Đặng Thanh Huyền (huyện Đông Anh) thường xuyên bị chồng mắng chửi, đánh đập. Chị tâm sự, ngày trước, anh Đức - chồng chị làm công nhân, chị làm ruộng, tuy anh hay văng tục với vợ con, nhưng không hề đánh đập. Hồi đó, thu nhập hơn 2 triệu đồng một tháng của anh, đủ trang trải các khoản học hành, hiếu hỉ, đóng góp trong làng ngoài xã cho cả nhà. Chị cấy lúa, trồng rau, nuôi con gà, con vịt để lo cho bữa cơm gia đình. Nhưng mẹ chồng chị luôn nói rằng, chồng chị đã “nuôi sống” cả nhà. Chị Huyền chẳng so đo vì là vợ chồng, đi đâu mà thiệt.  Nhưng hai năm gần đây, do công ty làm ăn thất bát, anh Đức mất việc.

Loanh quanh ở nhà buồn, không quen làm ruộng, trồng rau nên đi làm “xe ôm”, nhưng không những chẳng kiếm được tiền mà anh Đức thường phải xin vợ tiền đổ xăng, ăn trưa, uống nước. Kinh tế lao đao, chị Huyền mở một quầy tạp hóa để thêm đồng ra đồng vào. Chị bán hàng có duyên, cửa hàng đông khách, thu tiền lãi đến 3-4 triệu đồng/tháng. Bây giờ, chị lại là trụ cột kinh tế trong gia đình. Nhưng chồng chị không mừng, mẹ chồng không vui mà thường xuyên dằn hắt chị “mới có mấy đồng tiền đã đòi lên mặt”. Thấy chồng thường xuyên xin tiền mua xăng, chị Huyền bảo chồng nên ở nhà giúp vợ chạy chợ, thì anh nổi xung, đánh chị vì tội “vênh váo, coi thường chồng”, kèm theo lời ngang ngược “tao mà thèm làm giúp việc cho mày à”. Chị mải bán hàng, về nấu cơm muộn, chồng chị cũng đánh. Chị phàn nàn giá cả đắt đỏ, chồng chị cũng hất tung mâm cơm. “Mình kiếm được tiền nuôi cả nhà, đầu tắt mặt tối. Nhưng với chồng lại như là cái tội. Vừa buồn, vừa hận, vừa đau mà không biết làm cách nào để thay đổi tâm tính của chồng” – chị Huyền buồn bã. 

Số liệu điều tra xã hội học cho thấy, điều đáng ngạc nhiên là nhóm những người vợ có đóng góp kinh tế cao hơn người chồng trong gia đình thì lại bị bạo lực nhiều hơn những người vợ thuộc nhóm có thu nhập thấp hơn hoặc bằng chồng. 27,2% người chồng có thu nhập thấp hơn vợ có các hành vi sỉ nhục, lăng mạ vợ, 16,4% có hành vi tát, đánh đấm vợ. Trong khi đó, người chồng có thu nhập cao hơn vợ thì tỷ lệ này lần lượt là 15,3% và 6,4%. 

Quyền lực ảo

Ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình nhận định, điều này cho thấy, tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng trong nhiều gia đình vẫn còn khá nặng nề. Đàn ông luôn cho mình quyền “hơn vợ” về mọi mặt. Đến khi quyền lực bị lung lay, bị lấn át thì cảm thấy bực tức, căm giận. Nhưng thay vì tự thay đổi bản thân, vươn lên để xứng đáng với vai trò làm cha, làm chồng thì họ lại quay sang trách giận, trút hận lên vợ. Và “nắm đấm” khiến họ cảm thấy mình có chút quyền lực. Tuy nhiên, đây chỉ là thứ uy quyền ảo, làm vợ con sợ hãi, dần dần khinh ghét chứ không làm họ kính phục, nể trọng. 

Thậm chí, rất nhiều người cho rằng, đánh vợ là có thể chấp nhận được nếu có lý do “hợp lý”. Theo nghiên cứu của Vụ Gia đình, có tới 12% nêu lý do đánh là vì vợ “không nghe lời chồng”. Nhưng nhiều người vợ vẫn chấp nhận hành vi bạo lực của chồng. 12,3% cho rằng chồng có thể đánh vợ và 40% đồng ý chồng có thể mắng chửi vợ nếu “vợ không nghe”, 12% đồng ý việc chồng đánh và 44% đồng ý chồng chửi nếu như vợ “đi chơi mà không cho chồng biết”. Lại một điều đáng ngạc nhiên rằng, trong các trường hợp này, tỷ lệ nữ đồng ý lại cao hơn nam giới. 

Bà Nguyễn Thanh Thuý (chuyên viên Trung tâm nghiên cứu khoa học giới-gia đình phụ nữ và vị thành niên CSAGA) cho biết, đàn ông dùng nắm đấm, quyền lực, áp đặt suy nghĩ với mong muốn kiểm soát được tình cảm của vợ, trói buộc vợ vào mình mãi mãi. Tuy nhiên, đó chỉ là những “sợi xích” giết chết tình cảm vợ chồng, khiến cho hôn nhân trở thành địa ngục. Không chỉ người phụ nữ đau đớn mà người đàn ông cũng không được yêu thương. “Tư tưởng đàn ông phải làm chủ gia đình, phải ở “chiếu trên” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân. Do đó, khi cảm thấy mình kém cỏi so với vợ về một khía cạnh nào đó (kinh tế, giáo dục con cái, chuyện yêu đương), không ít đàn ông muốn đánh vợ để uy hiếp” – bà Thúy cho biết. 

Theo bà Thúy, những người đàn ông phải giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, thực chất lại là những người đàn ông… bất lực. Chính vì họ thiếu kỹ năng giao tiếp, tự ti về năng lực nên muốn dùng nắm đấm để lấn át đi. Tuy họ là người gây bạo lực nhưng cũng chính là nạn nhân của chính mình. 

Theo thống kê của Vụ Gia đình, các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) đang có xu hướng giảm dần. Nếu như giai đoạn 2009 - 2012, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra gần 50 nghìn vụ thì 6 tháng đầu năm 2013 xảy ra 13.562 vụ (giảm gần 40% so với cùng kỳ), trong đó bạo lực đối với phụ nữ 10.850 vụ, trẻ em là 1.627 vụ, bạo lực người cao tuổi là 1.085 vụ. Số vụ BLGĐ tuy giảm nhưng mức xử lý hành vi BLGĐ hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chủ yếu tập trung vào công tác hòa giải. Năm 2013, việc xử lý vi phạm hành chính chỉ chiếm 7,1%; xử lý hình sự chiếm khoảng 0,97% số lượng các vụ BLGĐ. Như vậy, số vụ BLGĐ bị xử lý mới chiếm 8,07%.