Dừng 4 dự án BOT đã ký Hợp đồng, triển khai chậm và 10 dự án đã phê duyệt

ANTD.VN -Báo cáo trước Quốc hội sáng 4-6 về giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã đàm phán, làm việc với các địa phương, Bộ, ngành dừng 4 dự án BOT đã ký Hợp đồng và đang triển khai chậm, dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi...

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại như các tuyến đường bộ cao tốc; mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các cảng biển: Quảng Ninh (khu bến Cái Lân), Hải Phòng (khu bến Lạch Huyện), cảng Đà Nẵng (khu bến Tiên Sa), thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (khu bến Cái Mép - Thị Vải), Cần Thơ đã được  đầu tư xây dựng…

Giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải tăng trưởng bình quân hàng năm 8-9% và từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo trước Quốc hội

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, còn mất cân đối trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao; dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển chưa được đầu tư tương xứng; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải; kết nối giữa các lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng, gây áp lực cao trong vận tải hàng hóa lên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ...

Về tai nạn giao thông, trong tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 7.490 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.476 người, bị thương 5.762 người; so với 5 tháng đầu năm 2017, số vụ tai nạn giao thông giảm 534 vụ (-6,66%).  Mặc dù tai nạn giao thông, thiệt hại do tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe tải, xe khách gây ra, tai nạn giao thông đường sắt lại trở thành vấn đề nóng, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn phức tạp.

Về các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Bộ GTVT đã huy động được 70 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 68 dự án, đường thủy nội địa 1 dự án, đào tạo 1 dự án. Hiện đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 58 dự án với tổng mức đầu tư là 166.154 tỷ đồng, 12 dự án đang triển khai.

Đối với các dự án này, việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại, sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình. Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, tuy nhiên việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh. Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn Nhà đầu tư chưa chặt chẽ... dẫn đến trong dư luận nghi ngờ về tính minh bạch.

Bên cạnh đó, hiện chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu. Chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2016 đến nay, Bộ GTVT đã nghiêm túc, cầu thị, từng bước xử lý các tồn tại đã được nhận diện (miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ người dân quanh một số trạm; Giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ chung cho các xe loại 4...).

Nhiều người dân còn băn khoăn về tính minh bạch trong việc thu phí BOT

Về chủ trương đầu tư dự án BOT, Bộ GTVT đã đàm phán với các Nhà đầu tư, làm việc với các địa phương, Bộ, ngành dừng 4 dự án BOT đã ký Hợp đồng và đang triển khai chậm; dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thành thật nhận trách nhiệm về những tồn tại trong lĩnh vực mình phụ trách, hứa sẽ thực hiện tốt các dự án BOT một cách tốt nhất, đồng thời trình Chính phủ thay đổi tên “Trạm thu giá BOT” cho phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến, “việc đổi tên từ trạm thu giá thành trạm thu phí không cần phải cần nghiên cứu trình Chính phủ, cứ trở về tên cũ là được chứ đợi trình Chính phủ thì lâu lắm”!