Đức xử tù cán bộ ngân hàng đầu tiên trong bê bối gian lận tiền hoàn thuế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 1-6, một cựu cựu giám đốc điều hành Ngân hàng tư nhân Đức MM Warburg đã bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam vì tội trốn thuế, trở thành chủ ngân hàng đầu tiên bị bỏ tù vì kế hoạch gian lận nhiều năm, gây thiệt hại cho các kho bạc châu Âu 55 tỷ euro.

Tòa án ở thành phố Bonn của Đức ra phán quyết, bị cáo phạm vào 5 tội danh gian lận thuế trầm trọng. Ngoài án tù, bị cáo cũng phải hoàn trả 100.000 euro. Phiên tòa kéo dài 2 tháng và bị cáo có quyền kháng án. Nhưng đây chỉ là một trong những vụ án đầu tiên liên quan đến cái gọi là “giao dịch gộp” bắt đầu vào năm 2001, kéo dài hơn 10 năm và có sự tham gia của hàng trăm người.

Một số ngân hàng tên tuổi châu Âu lần lượt bị đưa vào “tầm ngắm” vì các giao dịch lạm dụng tiền hoàn thuế

Một số ngân hàng tên tuổi châu Âu lần lượt bị đưa vào “tầm ngắm” vì các giao dịch lạm dụng tiền hoàn thuế

Nhiều ngân hàng tiếp tay

Trước đó, vào ngày 18-3-2020, đúng ngày nước Anh bắt đầu áp dụng phong tỏa toàn quốc vì đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid-19, tòa án Đức đã xét xử 2 cựu nhân viên ngân hàng đầu tư ở London vì tội trốn thuế theo hình thức “giao dịch gộp”. Tòa án Bonn phán quyết, các giao dịch của Ngân hàng Martin S. Nicholas D. đã trốn khoảng 400 triệu euro tiền thuế nhưng cả 2 bị cáo được hưởng án tù treo do đã hợp tác với các công tố viên.

Thông thường, theo luật của Đức, tội trốn thuế vài triệu euro sẽ khó có khả năng chỉ phải chịu án treo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cả hai bị đơn đã có sự hợp tác đáng kể, giúp cơ quan chức năng tìm hiểu về kế hoạch gian lận lớn trong ngành dịch vụ tài chính, rằng tại sao người ta có thể kiếm được bội tiền nhờ các khoản hoàn thuế khi thanh toán cổ tức.

Một số ngân hàng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ bê bối đã bị đột kích trong những tháng gần đây, bao gồm Deutsche Bank, Commerzbank và một công ty con của Clearstream ở Frankfurt. Hàng trăm chủ ngân hàng bị cáo buộc có liên quan đến âm mưu này và Tòa án Bonn đang xét xử một số trường hợp liên quan đến vụ bê bối. Trọng tâm của cuộc điều tra kế hoạch gian lận này là các giao dịch cổ phiếu được thực hiện ngay trước và sau ngày chia cổ tức.

Ngân hàng tư nhân M.M. Warburg cho biết, bản án hôm 1-6 sẽ không có tác động tài chính nào đối với họ. Năm ngoái, ngân hàng này đã bồi hoàn các khoản nợ thuế giai đoạn 2007-2011 nhưng vẫn khẳng định rằng các khoản thanh toán đó “không được coi là sự thừa nhận tội lỗi”.

Lợi dụng lỗ hổng trong luật hoàn thuế

Một “giao dịch gộp” điển hình liên quan đến 3 bên: chủ sở hữu thực tế của cổ phiếu; ngân hàng “mượn” cổ phiếu từ chủ sở hữu thực tế rồi bán lại và bên thứ ba mua cổ phiếu ngay trước ngày chia cổ tức. Điểm mấu chốt của các thương vụ mua bán này là các bên phải chuyển nhượng cổ phiếu một cách nhanh nhất có thể xung quanh ngày chia cổ tức. Tức là ngay sau ngày chia cổ tức, cổ phiếu ban đầu sẽ sang tay chủ mới. Đến năm 2011, luật thuế ở Đức cho phép cả bên chủ sở hữu cổ phiếu ban đầu và bên nắm giữ cổ phiếu sau ngày chia cổ tức đều có quyền yêu cầu hoàn thuế 25% cổ tức. Khoản thuế này được các công ty phát hành cổ phiếu trả trước khi cổ tức được chia cho các nhà đầu tư. Vì thế, các “giao dịch gộp” thực tế đóng thuế 1 lần nhưng được phép hoàn thuế 25% ít nhất 2 lần, nếu không muốn nói là còn nhiều hơn. Các bên tham gia giao dịch sau đó sẽ chia lợi nhuận với nhau.

Đức là một quốc gia đặc biệt hấp dẫn đối với các “giao dịch gộp”, vì các công ty trả cổ tức một lần mỗi năm và tỷ lệ chi trả cao, hạn chế chi phí giao dịch so với các quốc gia nơi cổ tức được trả mỗi quý. Nhận ra lỗ hổng pháp lý đó, Đức đã loại bỏ quy định nói trên vào năm 2012. Tuy nhiên, chiêu gian lận này đã được áp dụng trên khắp châu Âu và tiêu tốn của các kho bạc nhà nước hơn 55 tỷ euro. Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và Bộ Tài chính liên bang Đức vào năm 2019 đã xác định được gần 500 trường hợp bị nghi ngờ gian lận. Theo ước tính được chính phủ công bố vào tháng 9-2020, kế hoạch này gây thâm hụt tài chính công của Đức khoảng 5,5 tỷ euro.