Đức rút tên lửa phòng không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kì

ANTĐ - Bộ Quốc phòng Đức vừa tuyên bố chấm dứt sứ mệnh bảo vệ Thổ Nhĩ Kì và di dời các khẩu đội tên lửa phòng không khỏi nước này. Quyết định này được đưa ra do “ít mốt đe doạ về tên lửa đạn đạo” và “chi phí vận hành cao”.

Bộ Quốc phòng Đức đã xác nhận việc quân đội và hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ rút khỏi chiến dịch của NATO có tên “Hàng rào chủ động Thổ Nhĩ Kì” vào cuối tháng 1-2016.

Đức rút tên lửa phòng không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kì ảnh 1Đức cho rằng, nhiệm vụ này là không cần thiết vì “ít mốt đe doạ về tên lửa đạn đạo” và “chi phí vận hành cao”

Thông tin này đã được đăng tải chính thức trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Đức và khẳng định quân đội sẽ không tiếp tục kéo dài sứ mệnh bảo vệ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kì quá 2 năm rưỡi.

Lực lượng Đức đóng tại gần biên giới Thổ Nhĩ Kì – Syria có 250 binh lính bao gồm các kĩ sư chịu trách nhiệm bảo trì 2 hệ thống tên lửa phòng không Patriot, các chuyên gia, nhân sự hỗ trợ chiến đấu và lực lượng chống chiến tranh hạt nhân, sinh học và hoá học.

Lực lượng NATO được điều tới gần thành phố Kahramanmaras, cách biên giới phía nam Syria khoảng 100km. Tổng cộng 400 lính Đức đã làm nhiệm vụ tại đây từ tháng 1-2013.

Chiến dịch “Hàng rào chủ động Thổ Nhĩ Kì” được khởi động từ tháng 12-2012 sau khi Thổ Nhĩ Kì đề nghị NATO hỗ trợ đề phòng tấn công tên lửa từ Syria. Đã có các nước Đức, Mỹ, Hà Lan và từ năm 2015 là cả Tây Ban Nha tham gia vào sứ mệnh này.

Quyết định của Đức được dựa theo các đánh giá của chuyên gia NATO hồi đầu năm 2015, cho biết mối đe doạ tên lửa ở biên giới Thổ Nhĩ Kì – Syria là vô cùng thấp. Theo hãng tin DPA, nhiệm vụ này cũng có chi phí rất lớn do nó yêu cầu huy động nhiều chuyên gia và các thiết bị phụ trợ.

Tuy nhiên, sau khi rút khỏi nhiệm vụ này, Đức vẫn chủ động đóng góp cho sự bình ổn của khu vực Trung Đông bằng việc để lại 100 chuyên gia huấn luyện cho lực lượng người Kurd và Iraq ở thành phố Irbil, miên bắc Iraq, cũng như duy trì tàu  chiến trong lực lượng của Liên Hợp Quốc và NATO làm nhiệm vụ trong khu vực.