Đức kêu gọi Nga giảm bớt sự hiện diện quân sự gần Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Điện Kremlin giảm bớt các hoạt động quân sự gần đây của họ gần miền Đông Ukraine. Điều này đã được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa bà Merkel với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8-4.

Các cuộc đụng độ gần đây giữa phe ly khai thân Nga và quân đội chính phủ đã làm dấy lên lo ngại về sự leo thang xung đột ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau năm 2019

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau năm 2019

Trong cuộc điện đàm, bà Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thảo luận về các chủ đề khác, bao gồm việc giam giữ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.

Sau cuộc gọi, Điện Kremlin đưa ra một tuyên bố cho biết, hai nhà lãnh đạo đã “bày tỏ quan ngại về sự leo thang căng thẳng ở phía đông nam Ukraine”. “Ông Vladimir Putin đã đề cập đến các hành động khiêu khích của Kiev gần đây nhằm mục đích làm trầm trọng thêm tình hình ở chiến tuyến”, tuyên bố cho biết.

Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, Dmitry Kozak, được hãng thông tấn TASS hôm qua 8-4 dẫn lời nói rằng bất kỳ hành động thù địch quân sự lớn nào có thể đồng nghĩa với “khởi đầu sự kết thúc của Ukraine”. Ông lập luận rằng Nga sẽ buộc phải bảo vệ công dân của mình ở miền Đông Ukraine.

Hôm qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến Donbass, thị sát các địa điểm của tình hình leo thang, và nói thêm rằng “Ukraine cần hòa bình và sẽ làm mọi thứ vì điều này”.

Tổng thống Ukraine thăm binh sĩ ở Donbass hôm 8-4
Tổng thống Ukraine thăm binh sĩ ở Donbass hôm 8-4

Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau làm leo thang căng thẳng giữa lực lượng Ukraine và phe ly khai thân Nga. Chỉ riêng trong ngày 26-3, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận hàng trăm trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn.

Chính phủ Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới, trong khi Điện Kremlin trả lời rằng việc chuyển quân là một vấn đề nội bộ và cho rằng Matxcơva được quyền bảo vệ các công dân nói tiếng Nga ở Donbass nếu lệnh ngừng bắn không được duy trì.

Liên minh châu Âu, NATO và Mỹ gần đây đã lên án việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới. Theo chính phủ Ukraine, cuộc xung đột đã khiến ít nhất 14.000 người thiệt mạng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.