Đức Chính, ca sĩ của “Tuổi thơ Hà Nội”

ANTĐ - Đức Chính sinh ra ở phố Hàng Ngang, tuổi thơ gắn bó với phố Hàng Đường, lúc trưởng thành lại làm hàng xóm với “chàng cao bồi phố Hàng Bạc” - nhạc sĩ Nguyễn Cường. Dường như yếu tố “dân phố cổ gốc” ấy đã khiến anh gắn bó máu thịt với những bài hát về Hà Nội. 

Giờ thì Chính đã bước vào lứa tuổi “Tri thiên mệnh”. Bàn chân người nghệ sĩ đã in dấu nhiều nơi trong và ngoài nước, song như lời một ca khúc mà Chính thường hát rất có “hồn”: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”, lòng anh lúc nào cũng đau đáu về mảnh đất linh thiêng ấy. Trong bài hát “Xa Hà Nội”, Đức Chính viết: “Khi anh vui, anh không quên Hà Nội/ Khi anh buồn Hà Nội ở bên anh/ Hà Nội của anh là cả mùa xuân/ Sưởi nắng ấm, khi cõi lòng anh lạnh”. 

Chính nặng lòng với Hà Nội. Hằn sâu trong ký ức anh là một tiếng rao đêm “bánh khúc ơ…”, tiếng leng keng của chuyến tàu điện buổi sớm mai đưa các bà buôn chuyến rời Ga Bờ Hồ lên mạn chợ Bưởi đánh thức cậu bé đang say ngủ, tiếng Đài phát thanh tập thể dục đầu phố mỗi sáng, cả tiếng trống vang vang trong sân ngôi trường Thanh Quan cổ kính ở phố Hàng Cót. Rồi còn cây cầu Long Biên cũ kỹ cứ hun hút trong trí nhớ của Chính, với tiếng còi kéo dài băng qua bãi ngô non giữa sông Hồng, nơi mà cứ vào chiều thứ 7 hàng tuần, Chính lại cùng bạn bè ra thỏa sức chơi đùa. Chính thích tản bộ ra hiệu cà phê “Nhân”, một tiệm cà phê lâu đời của Hà Nội cổ nằm trên phố Hàng Hành, ngồi nhìn “ngõ nhỏ, phố nhỏ” qua những giọt cà phê rơi tý tách vào chiếc ly cổ. Quả đúng Chính là con người hoài cổ, cổ từ kiểu cách, màu sắc bộ áo quần anh đang mặc, đến “tiếng nói Hà Nội” chuẩn xác “tròn vành rõ chữ”, yếu tố cơ bản tạo nên một Đức Chính, ca sĩ của “Tuổi thơ Hà Nội”. 

*

Một duyên may đã đưa hai con người đẫm chất Hà Nội cổ đến với nhau. Họ chỉ ở cách nhau vài ba số nhà, cùng dân nghệ sĩ nên quen, thân nhau lúc nào không biết. Người lớn tuổi có bộ ria kiêu hãnh đi đâu, thậm chí ngồi ghế ban giám khảo các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình lúc nào trên đầu cũng đội chiếc mũ “bất ly thân”, rộng vành, kiểu “cao bồi” rất cá tính, đó là nhạc sĩ Nguyễn Cường. Người trẻ hơn ca sĩ Đức Chính. Hai anh em đồng cảm với nhau không chỉ ở âm nhạc, mà cả sở thích riêng như sáng nào cũng dậy sớm cùng nhau chạy bộ quanh Hồ Gươm dăm vòng, ngắm Tháp Rùa huyền ảo, cây Lộc vừng trổ hoa, liễu rủ ven hồ. Hôm nào ngẫu hứng, anh em đi sâu vào các ngõ ngách phố cổ, đứng trầm ngâm trước Ô Quan Chưởng rêu phong cổ kính. Tối tối, họ khoác vai nhau đi dưới tán phượng vĩ đường Ngô Quyền, hoặc thưởng thức mùi thơm hăng hắc hoa sữa đường Nguyễn Du khi mùa thu về “để nhớ mọi người”. Mỏi chân, anh em sà vào hàng ngô nướng của một cụ già hay chuyện cuối phố Cầu Gỗ, ăn ngô để được cụ kể cho nghe lai lịch đường phố Hà Nội mà cụ thuộc như trong lòng bàn tay. 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường có chị gái sang Pháp sống từ nhỏ, ngoài 50 tuổi, bà về thăm Hà Nội để tìm lại tuổi thơ. Hôm chia tay chị quay lại Pháp, nhạc sĩ Nguyễn Cường mời anh bạn ca sĩ “tâm đầu ý hợp” cùng phố đến hát tặng chị. Tác giả, người thể hiện, người nghe đều gắn bó máu thịt với Hà Nội gặp nhau. “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội/ Dáng hiền từ, bà tôi, dắt tôi trong chiều nghiêng/ Mãi mãi truyện thần tiên/ Đất Thăng Long hùng thiêng/ Còn đó tuổi thơ, còn mãi ngày xưa…”. Người chị ôm vào lòng cả 2 cậu em, nức nở mãi mới nói được lên lời: “Cám ơn hai em đã cho chị sống lại kỷ niệm đẹp của Tuổi thơ Hà Nội. Chị sẽ mang “Tuổi thơ Hà Nội” đi nốt quãng đời còn lại”.

*

Con mắt “xanh” của nhạc sĩ Nguyễn Cường phát hiện, “chọn mặt gửi vàng”, anh giao đứa con tinh thần cho Chính, Chính đã không phụ lòng tin ấy, cuộc đời ca sĩ của anh “đóng đinh” với ca khúc “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”. Dù tới bây giờ cũng có nhiều ca sĩ thể hiện bài hát ấy, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường đánh giá: “Đến giờ phút này không ai hát “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” hay như Đức Chính”. Công chúng gọi Đức Chính “Ca sĩ của tuổi thơ Hà Nội”, đó là phần thưởng xứng đáng dành cho anh.

Chất giọng Tenor trữ tình, nhẹ nhàng, mang âm hưởng dân gian truyền cảm, cùng những hoài niệm và cả với bề dày tri thức am hiểu Hà Nội... là những chất “xúc tác” giúp Chính “cháy” hết mình khi hát về Hà Nội. Anh hát như kể, như tâm sự. Cảm giác về một Hà Nội xưa cứ trăn trở, sống như vậy trong anh, trong mỗi khoảnh khắc chiêm nghiệm cuộc sống, trong từng ca khúc, nó khiến lời hát có hồn. 

 Giờ Đức Chính đã là Đoàn trưởng Đoàn ca nhạc (Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương), quản lý cả trăm nghệ sĩ. Nhìn thế hệ ca sĩ trẻ dần trưởng thành, Chính hiểu rằng, mình cần xuất hiện ít hơn, có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thay thế lớp “đàn anh, đàn chị”. Chính hát ít hơn, tập trung cho công tác lãnh đạo, dàn dựng chương trình và sáng tác. Chính tâm sự, anh “hát và viết nhạc cho mình, để khai thác các điểm mạnh trong giọng ca, át đi những điểm yếu”. Chính cho rằng cách nhả câu, nhả chữ, dấu chấm phẩy của nhạc phải trùng với dấu chấm phẩy của ca từ, phải là ca sĩ có giọng phát âm “chuẩn”, có kinh nghiệm biểu diễn nhiều mới chiêm nghiệm ra điều ấy. Anh khuyên giới trẻ: “Đừng biến âm, tạo ra chất giọng lạ, giọng sẽ khó bền, đừng hát ca khúc Việt Nam như người nước ngoài hát tiếng Việt Nam”.