Đua nhau mở "đại lý" giấy khám sức khỏe giả trên mạng Internet

ANTĐ - Bắt chước nam sinh viên, hàng loạt đối tượng cũng lập Facebook rao bán nhiều loại giấy tờ giả trên mạng Internet, trong đó chủ yếu là giấy khám sức khỏe. Nhưng giữa lúc các “gian hàng” đang làm ăn sôi động thì bị lực lượng công an triệt phá.

Tại phiên tòa ngày 20-1-2016, Vũ Văn Đề (SN 1991, trú ở xã Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình) bị đưa ra xét xử về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, theo khoản 2, Điều 267-BLHS. Cùng tội danh, Dương Văn Mạnh (SN 1991, ở xã Úc Kỳ, Phú Bình, Thái Nguyên) cũng bị tòa án xem xét với vai trò phạm tội đứng thứ hai.

Điều đáng nói là ở thời điểm can án, cả Đề và Mạnh cùng đang là sinh viên của một học viện có tiếng trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, từ việc làm phạm pháp của 2 cựu sinh viên này, hàng loạt đối tượng cũng bắt chước lập Facebook rao bán giấy tờ giả trên mạng internet để thu lời bất chính.

Vũ Văn Đề (ngoài cùng, bên trái) cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa

Theo đó, các bị cáo tiếp theo và cùng bị truy tố về tội danh theo Điều 267 lần lượt là Đặng Thị Tuyết (SN 1995), trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; Nguyễn Thị Thương (SN 1995), ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu và Đinh Quang Tùng (SN 1991), trú tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, cùng tỉnh Hưng Yên.

Quá trình xét xử làm rõ, do cần tiền ăn tiêu nên đầu năm 2015, Vũ Văn Đề đã nảy ra “sáng kiến” làm giả giấy khám sức khỏe do Bệnh viện Giao thông vận tải cấp, rồi lập Facebook, kèm số điện thoại rao bán trên mạng Internet.

Cụ thể, Đề kiếm một tờ mẫu giấy khám sức khỏe thật, rồi photo ra thành hàng trăm bản khác nhau. Tiếp đến, đối tượng ký giả chữ ký của bác sỹ ở các mục khám tương ứng. Và sau cùng Đề chuyển cho một đối tượng tên Tuấn (không rõ lai lịch) đóng dấu giả của Bệnh viện Giao thông vận tải vào các giấy tờ đó.

Bằng thủ đoạn đơn giản nêu trên từ đầu năm 2015 đến khi bị bắt giữ (22-4-2015), nam sinh viên này đã bán trót lọt hàng trăm giấy khám sức khỏe giả và thu lời bất chính hàng chục triệu đồng. Trung bình, mỗi giấy khám sức khỏe giả, Đề thu của khách 40.000 đồng.

Thấy cậu bạn ở cùng phòng trọ kiếm tiền dễ dàng, Dương Văn Mạnh cũng bắt chước làm theo. Tương tự, đối tượng cũng lên mạng Internet lập Facebook, kèm số điện thoại rao bán giấy khám sức khỏe theo yêu cầu. Ban đầu, mỗi khi có khách gọi điện hỏi mua, Mạnh lại đặt hàng từ cậu bạn, rồi chuyển cho khách để hưởng tiền chênh lệch từ 10.000 đồng đến vài chục nghìn đồng.

Sau một thời gian buôn bán giấy khám sức khỏe giả, Mạnh thấy việc “chế tác” loại giấy tờ này khá đơn giản nên cũng mày mò sản xuất. Phương pháp làm giả giấy tờ của đối tượng là tự ký tên các bác sỹ, rồi mang đi photo màu ở phần con dấu của Bệnh viện Giao thông vận tải.

Quá trình mở “gian hàng” bán giấy khám sức khỏe giả trên mạng Internet, đối tượng thấy nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn và mở rộng nên “chế” thêm các loại giấy tờ liên quan là giấy ra viện và giấy chứng nhận sức khỏe. Để hút khách, Mạnh bán với giá rất cạnh tranh, từ 15.000 đồng đến 80.000 đồng/giấy giả, tùy từng loại.

Chỉ trong một thời gian ngắn bán giấy tờ giả trên mạng Internet, ngoài 200 giấy khám sức khỏe mua lại từ Đề, Mạnh đã tự sản xuất và tiêu thụ trót lọt hàng trăm giấy tờ giả liên quan. Bằng những thủ đoạn phạm pháp ấy, cựu sinh viên của một học viện trên địa bàn Hà Nội đã thu lời bất chính hơn 20 triệu đồng.

Trong số những khách hàng thường xuyên mua giấy tờ giả từ Mạnh, Đặng Thị Tuyết cũng học đòi kinh doanh thứ hàng hóa bị pháp luật nghiêm cấm qua mạng Internet. Tạo lập Facebook có tên “Kendi Thu” cùng số điện thoại, Tuyết rao bán các loại giấy tờ về sức khỏe với giá từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/giấy.

Mỗi khi có khách liên hệ đặt mua, thiếu nữ ở huyện Chương Mỹ lại tức tốc thông báo cho Mạnh để nhanh chóng có được “hàng”. Phát triển việc mua bán giấy tờ giả trên mạng, Tuyết còn thuê Đinh Quang Tùng là người thường xuyên đi giao hàng cho khách.

Trong một lần đi giao giấy khám sức khỏe thuê cho Tuyết ở quận Thanh Xuân, Tùng bị một khách hàng từ chối nhận với khẳng định đó là giấy tờ giả. Biết rõ việc làm sai trái của thiếu nữ ở Chương Mỹ, song Tùng vẫn mua lại một tập giấy tờ giả của đồng bọn và sau đó lập Facebook rao bán trên mạng kiếm lời.

Tự biến thành “đại lý” cung cấp giấy tờ giả, Nguyễn Thị Thương cũng mở một “gian hàng” trên mạng Internet. Ngày 21-4-2015, tại phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, giữa lúc đối tượng đang nhận 3 giấy ra viện giả từ tay một chị “xe ôm” do Mạnh thuê cầm đến thì bị lực lượng CATP Hà Nội bắt quả tang.

Bị đưa ra tòa án xét xử, cả 5 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như nội dung truy tố. Vì thế, kết thúc phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Vũ Văn Đề 36 tháng tù giam về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Cùng tội danh đó, các bị cáo liên quan cũng lần lượt phải lĩnh từ 12 tháng tù (hưởng án treo) đến 42 tháng tù giam.