Đua nhau để trẻ “già” mới đi học

ANTĐ - Cho trẻ đi học muộn một năm, đó là xu hướng đang gia tăng ở Mỹ. Đáng nói là tỷ lệ bé trai gấp đôi bé gái và rơi vào các gia đình giàu nhiều hơn. Người ta cho rằng đứa trẻ “già” hơn tuổi mới đi học sẽ học hành xuất sắc và thành công trong cuộc sống tương lai. Điều này liệu có đúng?

Sự tiến bộ xuất sắc của con trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trẻ em ở Mỹ có thể được nghe nhạc Mozart từ trong bụng mẹ, đến 2 tuổi vừa bập bẹ nói đã tiếp xúc với ngoại ngữ và hầu hết đến 5 tuổi là phải tạm biệt trường mẫu giáo để bắt đầu học chữ. Nhưng trước bước ngoặt quan trọng ấy, nhiều bậc phụ huynh lại giữ con lại mẫu giáo cho đủ 6 tuổi để khi đi học, con sẽ là đứa trẻ già dặn, thông minh nhất lớp. 

Ví như trường hợp của Megan Hoffecker, con trai chị - Barrett Hoffecker sinh vào tháng 8, đúng dịp khai trường. Nếu đi học, cậu bé vẫn còn “non” nên Megan gửi Barrett vào một trường trước tuổi đi học ở Canton, bang Georgia. Chị Megan Hoffecker không giấu giếm là muốn con mình già dặn, trở thành thủ lĩnh trong môi trường của mình hơn là một cậu em nhỏ luôn phải chạy theo các bạn. Barrett hiện giờ lên 7, học lớp 1, lớn nhất và thành tích nằm trong tốp đầu lớp. Mẹ cậu bé không cho rằng đây là “tiểu xảo” mà chỉ là những gì cha mẹ có thể làm để đảm bảo con mình có sự chuẩn bị tốt trước những thử thách trong đời.

Không hiếm trường hợp như Barrett Hoffecker. Qua khảo sát ngẫu nhiên của hãng tin CBS tại một số lớp mẫu giáo, hiện có đến gần ¼  số trẻ 6 tuổi, còn lại đúng độ tuổi là 5. Theo thống kê, số trẻ em Mỹ đi học chậm một năm hiện đã tăng gấp 3 lần so với những năm 1970.

Holly Korbey chưa từng biết đến chuyện này khi chuyển nhà tới Dallas. Chị định cho con đi học ngay khi con tròn 5 tuổi trước mùa khai giảng tháng 9-2008 nên cảm thấy “sốc” khi nghe giáo viên mẫu giáo khuyên nên giữ con ở lại học một năm. “Cái gì cơ? Tại sao? Nó đã biết đọc, không có vấn đề về hành vi thì sao lại không đi học lớp 1?”, chị ngạc nhiên hỏi. Nhưng rồi, nghe cô giáo phân trần, chị quyết định làm theo như nhiều phụ huynh khác, mà lý do hấp dẫn nhất là giúp con có lợi thế hơn những đứa trẻ khác.

Có chung quan điểm này, Malcolm Gladwell - tác giả cuốn “Người nổi bật” - tác phẩm đã trở thành sách “gối đầu giường” cho phụ huynh có con 4-5 tuổi phân tích, trẻ sinh đầu năm thường xuất sắc hơn, cả về thành tích học tập lẫn thể thao. Nhà nghiên cứu này cho rằng những đứa trẻ già dặn có một lợi thế nhỏ về học tập không chỉ ở lớp 1 mà trong suốt cuộc đời học sinh. Ông Gladwell trích dẫn một nghiên cứu của nhà kinh tế Elizabeth Dhuey tại Đại học Toronto, qua phân tích số liệu từ hàng trăm học sinh ở 19 quốc gia trên thế giới, đến lớp 8, trẻ nhiều tuổi hơn có điểm kiểm tra tốt hơn các bạn cùng lớp.

Tuy nhiên, ông Samuel Meisels, Chủ tịch Viện nghiên cứu Erikson ở Chicago không đồng ý với quan niệm đó. Ông Meisels cho rằng, đi học muộn 1 năm có thể phù hợp với một số trẻ nhưng nhìn chung đây là một kiểu thiên vị. “Nực cười là trước đây, người ta chăm chăm cho trẻ đi học trước, thậm chí là học nhảy lớp thì hiện giờ họ lại muốn con học chậm một năm. Nghiên cứu mà chúng tôi đang thực hiện, dù chỉ mới ở phạm vi nhỏ cho thấy, đi học muộn hơn so với tuổi cũng có một số hệ quả tiêu cực, ví như gia tăng một số rắc rối về hành vi hay trẻ cảm thấy chán học vì mọi thứ quá dễ đối với chúng. Điều có thể kết luận là học chậm không có nhiều lợi ích như người ta tưởng và đó còn là một bài học về đạo đức mà phần lớn các bậc phụ huynh “lờ” đi: Như thế là không công bằng”, ông Meisels nói. Đó là chưa kể, cho con đi học chậm còn tạo gánh nặng hơn cho các gia đình nghèo bởi trẻ càng bớt thời gian học, họ càng giảm được học phí. 

Nắm bắt xu hướng trên, một số trường công ở Mỹ dứt khoát “nói không” với trẻ đi học muộn một năm. Như chị Heather Wasilew khóc dở, mếu dở khi các trường ở Chicago từ chối không nhận con chị vào lớp 1 vì cháu đã 6 tuổi. Chị Wasilew đã khóc rất nhiều, vì đã “lỡ” nên đành ngậm ngùi đăng ký cho bé Jacob vào trường tư khi con lên 6 tuổi vào mùa thu này, tất nhiên học phí sẽ rất đắt.