Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng

ANTĐ - Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời gửi tới Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chiều 3-11, ĐB Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc CATP đã đề xuất các phương án nhằm tăng cường quản lý người nghiện. 

Báo cáo nêu rõ: Ngày 1-1-2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành với các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (trong đó có quy định về cai nghiện bắt buộc). Tuy nhiên, trên thực tế suốt 11 tháng qua, thành phố Hà Nội chưa đưa được một người nghiện nào vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội để cai nghiện bắt buộc. Trên địa bàn thành phố tính đến ngày 15-10-2014, có 15.988 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó hiện có mặt tại cộng đồng 7.225 người và trên 1.000 người nghiện lang thang. Tình trạng này đã và đang làm toàn xã hội, cuộc sống của nhiều người dân bất an vì người nghiện không được quản lý, còn các lực lượng chức năng phải căng mình để giữ ổn định tình hình.

Sau khi chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đề xuất 2 phương án kiến nghị. Phương án 1: đề nghị QH ra một Nghị quyết dừng việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc và tiếp tục cho thực hiện các nội dung đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Phương án 2: Đề nghị QH ra một Nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc bằng 4 cách. Thứ nhất: Ban hành cơ sở pháp lý để ngành y tế có cơ sở lưu giữ người nghiện từ 24-72 giờ để xác định tình trạng nghiện. Thứ 2: Cho phép áp dụng thực hiện: Với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (xét nghiệm ma túy dương tính), đã có trong danh sách quản lý người nghiện của địa phương, đã từng đi cai nghiện (kể cả cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc) thì không cần phải theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy. Không phải tổ chức giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và không phải cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP mà lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc ngay. Thứ 3: Những người nghiện đã từng đi cai nghiện, nay xét nghiệm dương tính: sau khi xã, phường đã lập hồ sơ thì bỏ qua bước được nghiên cứu hồ sơ trong 5 ngày. Khi TAND cấp huyện họp, ngoài các thành phần quy định không cần người bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc phải dự họp. Thứ 4: Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy lang thang không có nơi cư trú nhất định, thay vì giao cho tổ chức xã hội quản lý thì đưa vào lưu trú tạm thời tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội cấp tỉnh, trong quá trình lập hồ sơ và tòa án xem xét, quyết định.