"Dựa hơi" IS để phô trương thanh thế

ANTĐ - Theo nhận định của Tờ Global Post, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giờ không chỉ là một tổ chức khủng bố mà còn là “thương hiệu” được biết đến trên toàn cầu. Một số băng đảng tội phạm ở Philippines đã giả danh liên minh với IS để phô trương thanh thế hoạt động. 

"Dựa hơi" IS để phô trương thanh thế ảnh 1Băng nhóm tội phạm Abu Sayyaf “dựa hơi” IS để hoạt động 

Một số chỉ huy của Abu Sayyaf - băng đảng cướp biển khét tiếng ở Philippines đã thề trung thành với IS vì cùng có chung mục tiêu xây dựng quốc gia Hồi giáo độc lập. Trong đoạn video ngắn được đăng tải trên Internet, những chiến binh của Abu Sayyaf vẫy cờ của IS, kề dao vào cổ một con tin phương Tây đang quỳ trong khu rừng. Abu Sayyaf muốn chứng minh rằng, chúng là “xúc tu Đông Nam Á” của IS. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động chủ yếu của Abu Sayyaf là bắt cóc, tống tiền. Thành viên của Abu Sayyaf hiện có khoảng 500 người, ít hơn so với nhiều băng đảng đường phố ở Los Angeles.

Trong vòng 15 năm qua, Abu Sayyaf đã chặt đầu hơn một chục người, bắt cóc hơn 700 con tin và tống tiền hàng triệu USD. Cuộc tấn công quy mô lớn nhất của Abu Sayyaf là tổ chức đánh bom tại bến phà ở vịnh Manila năm 2004 khiến 116 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ đánh bom được xác định là do chủ sở hữu một chiếc thuyền đã từ chối trả khoản tiền 1 triệu USD theo yêu cầu của chúng. 

“Abu Sayyaf chỉ là băng nhóm tội phạm tìm cách “ăn theo” IS. Đó giống như một sân khấu. Abu Sayyaf thề trung thành với IS vì sự tham lam, không phải ý thức hệ”, Warren Rodwell, một cựu chiến binh quân đội Australia, người đã dành phần lớn cuộc đời giảng dạy tiếng Anh ở châu Á nói. Rodwell từng bị Abu Sayyaf bắt cóc vào tháng 12-2011 ngay tại nhà riêng ở phía Tây nam Philippines. Ông Rodwell bị giam giữ trong rừng rậm 15 tháng và được trả tự do khi gia đình trả khoản tiền chuộc 100.000 USD.

“Hầu hết các chiến binh là người dân nghèo. Họ biết đến khái niệm chiến tranh thánh chiến qua các bộ phim Hollywood chứ không phải được “nhồi sọ” từ những quan điểm ở Trung Đông. Họ cũng không có tư tưởng cực đoan của các chiến binh IS. Công việc thường xuyên của các chiến binh là cầu nguyện. Họ thậm chí không thể tán tỉnh và kết hôn với một phụ nữ Hồi giáo”, Rodwell nói. Theo Rodwell, chiến binh của Abu Sayyaf không được trang bị vũ khí hiện đại hay được đào tạo bài bản và cũng không được chỉ đạo bởi mạng lưới thánh chiến quốc tế. “Hầu hết mới tốt nghiệp lớp 5. Rất nhiều trong số họ muốn đến Mỹ. Tôi hỏi: “Muốn đến thành phố nào ở Mỹ”?. Họ nói: “London”. 

Ngoài Abu Sayyaf, một nhóm tội phạm khác ở Philippines là Bangsamoro Islamic Freedom Fighters cũng tuyên bố trung thành với IS. Tuy nhiên, lời thề này không mấy giá trị bởi Bangsamoro Islamic Freedom Fighters thừa nhận không có kế hoạch đưa chiến binh tham gia IS chiến đấu ở Syria. Cho đến nay “liên minh giả mạo” được “quảng cáo” chủ yếu thông qua mạng xã hội và YouTube.

Ở Đông Nam Á, quốc gia có số lượng người theo Hồi giáo lớn nhất là Indonesia. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, Indonesia là quốc gia tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện chiến binh của IS. Theo Giáo sư Zachary Abuza thì ước tính, 1.000 người Đông Nam Á đã chuyển đến sống tại các vùng  lãnh thổ do IS kiểm soát. “Nhiều người đã bị sử dụng như bia đỡ đạn”, Giáo sư Zachary Abuza nói.

Nhà phân tích an ninh Sidney Jones, Viện Nghiên cứu các vấn đề xung đột ở Jakarta (Indonesia) cho biết, tổng số các nam thanh niên Indonesia tham gia IS có thể là 160 người. Bà Sidney Jones nhận định, con số này thấp hơn nhiều so với 1.700 chiến binh thánh chiến đến từ Pháp hiện đang chiến đấu ở Iraq và Syria. “Sẽ rất đáng lo ngại nếu Abu Sayyaf liên kết với các “tế bào nhỏ” của IS ở Indonesia. Có những “băng nhóm tội phạm nhỏ sử dụng tên của IS phục vụ cho lợi ích riêng”, bà Sidney Jones nói.