Đưa điện lưới quốc gia đến với vùng biển đảo

ANTĐ - Theo kế hoạch, trong năm 2014, nhiều huyện đảo trên cả nước sẽ có điện lưới quốc gia. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tấn Lộc- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị chủ lực trong việc đưa điện lưới đến với vùng biển đảo về vấn đề này.

Đưa điện lưới quốc gia đến với vùng biển đảo ảnh 1
Phó Tổng giám đốc EVN  Nguyễn Tấn Lộc (giữa) trao quà hỗ trợ ngư dân huyện đảo Lý Sơn


- PV: Hiện nay, những vùng biển, đảo nào trên cả nước đã có điện và vùng nào chưa có điện lưới quốc gia thưa ông?

- Ông Nguyễn Tấn Lộc: Hiện cả nước có 12 huyện đảo, trong đó có 6 huyện đảo đã và dự kiến sẽ có điện lưới quốc gia trong năm 2014 gồm: huyện Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang) và 6 huyện đảo gồm Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quí (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện được cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ. EVN đã quản lý vận hành và bán điện trực tiếp cho khách hàng tại 8/12 huyện đảo, việc cấp điện ở các huyện đảo khác do các đơn vị quân đội và thanh niên quản lý.

Trong tổng số 50 xã đảo thì 13 xã đảo đã sử dụng điện lưới quốc gia, 11 xã đảo dự kiến sẽ có điện lưới quốc gia vào năm 2014, còn lại 26/50 xã đảo đang sử dụng điện từ nguồn điện tại chỗ.

- Với những vùng đã có điện lưới, EVN có khả năng cung ứng đủ điện cho cả sản xuất và sinh hoạt không?

- Những huyện đảo kết nối lưới điện quốc gia luôn được ưu tiên đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đối với các huyện đảo chưa nối được điện lưới quốc gia như: Lý Sơn – Quảng Ngãi, Phú Quý – Bình Thuận, Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu trước đây do khó khăn về đầu tư các nguồn điện diezel công suất lớn, lại hoạt động trong cơ chế bù lỗ (giá thành sản xuất gấp hơn 2-3 lần giá bán) nên nguồn điện chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất trên các đảo này. Hiện nay nguồn điện diezel trên các huyện đảo này chưa đáp ứng đủ điện 24/24h cho toàn bộ hộ sử dụng điện trên các huyện đảo xa đất liền mà cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp đầu tư trên huyện đảo (các khách sạn,   resort có máy phát điện riêng).

- Vùng biển đảo nào đang gặp khó khăn nhất để đưa điện tới nơi?

- Việc đưa điện lưới quốc gia đến các vùng biển đảo gặp nhiều khó khăn như: Đầu tư cáp ngầm dưới biển khó hơn trên đất liền nhiều lần; Cáp ngầm dưới biển nước ta chưa sản xuất được; Công nghệ thi công dưới biển phức tạp, phải thuê nước ngoài. Bên cạnh đó, vốn đầu tư rất lớn, suất đầu tư cho 1 hộ trên biển gấp từ 5- 10 lần trên đất liền, những vùng biển khó khăn nhất là những vùng biển có độ sâu trên 50 mét trở lên và những đảo xa đất liền trên 60 km. 

 - Kế hoạch của EVN đối với việc cung ứng điện cho các vùng biển đảo trong thời gian tới như thế nào?

- Kể từ 1-6-2014, giá bán điện trên huyện đảo bằng với giá bán điện trên đất liền. Điều này mang lại lợi ích cho các hộ gia đình trên huyện đảo được sử dụng giá điện rẻ, tạo điều kiện phát triển sản xuất. Mặc dù gặp  nhiều khó khăn nhưng EVN đã có kế hoạch đảm bảo cung ứng điện cho các huyện đảo gần đất liền: Đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo như Lý Sơn, Kiên Hải. Các huyện đảo xa đất liền thì tăng cường nguồn phát điện diezel và nghiên cứu bổ sung các nguồn điện năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời). Vì biển đảo, EVN mong muốn các doanh nghiệp và cộng đồng chung tay góp vốn cùng EVN đầu tư các nguồn điện nhằm đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các huyện đảo, xã đảo của Việt Nam.

  

- Cảm ơn ông!