Đưa 200.000 sinh viên ra ngoại ô học

(ANTĐ) - Bộ Xây dựng cho rằng, để đáp ứng cho 65-70 vạn sinh viên, Hà Nội phải thực hiện lộ trình xây dựng mới các khu, cụm đại học tập trung có diện tích khoảng 3.500-4.500ha với cơ sở vật chất đồng bộ, phù hợp với yêu cầu mới.
Đặc biệt, để hạn chế tình trạng quá tải ở khu trung tâm Hà Nội, Bộ Xây dựng đề xuất không sử dụng quỹ đất có được sau di dời để xây dựng nhà ở.Giảm trung tâm, tăng ngoại ô Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn, trong hơn 10 năm tới, khu vực ngoại ô đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh thuộc Hà Nội dự kiến sẽ phải đảm nhận khoảng 55 vạn sinh viên. Trong đó, các đô thị ĐH như Hòa Lạc đáp ứng khoảng 20 vạn sinh viên, Xuân Mai 10-12 vạn sinh viên. Khu vực nội đô Hà Nội giảm quy mô đào tạo khoảng 20 vạn sinh viên, chỉ ưu tiên đào tạo chất lượng cao sau đại học, hạn chế đào tạo đại học, cao đẳng.
Đưa 200.000 sinh viên  ra ngoại ô học  ảnh 1
Các trường  ĐH-CĐ tạo ra áp lực đáng kể cho hạ tầng trung tâm Hà Nội
Việc di dời các trường ĐH-CĐ ra khỏi nội thành là điều tất yếu nhằm giãn tải cho khu trung tâm. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chuyện ai đi, ai ở đang là vấn đề được hàng vạn học sinh, sinh viên, giáo viên các trường ĐH-CĐ quan tâm. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đề xuất các tiêu chí di dời theo 2 nhóm chính gồm tiêu chí chung và tiêu chí đặc thù. Theo nhóm tiêu chí chung, các trường có vị trí nằm trong các khu vực nội thành được xem xét đánh giá thực hiện di dời. Xét về đất đai, các trường phải di dời là trường không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất trên 25m2/sinh viên (không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá); trên 45m2/sinh viên nếu bao gồm công trình thể chất và ký túc xá. Các trường chỉ được giữ lại quy mô đào tạo phù hợp với điều kiện quỹ đất hiện có, số lượng còn lại phải di chuyển sang cơ sở đào tạo mới. Ngoài ra, nếu hạ tầng trong trường không đảm bảo diện tích các công trình về thể chất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hạ tầng ngoài trường không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị... cũng thuộc diện phải di dời. Về tiêu chí mang tính đặc thù, Bộ Xây dựng tính đến yếu tố lịch sử phát triển. Cụ thể, những trường có thời gian hình thành và phát triển lâu dài sẽ được ưu tiên giữ lại và hạn chế chuyển đổi sang các chức năng khác. Các trường này sẽ được khống chế quy mô đào tạo theo điều kiện quỹ đất và cơ sở vật chất hiện có của trường. Ngành nghề và quy mô đào tạo cũng được xét là một tiêu chí đặc thù. Các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật, hành chính, đào tạo chất lượng cao sẽ được ưu tiên giữ lại trong nội thành. Các trường có tính chất đào tạo nghề, quy mô đào tạo lớn sẽ không khuyến khích giữ lại.Không xây nhà trên đất trường cũ Tuy hiện nay, chưa có trường ĐH-CĐ nào được di dời song thêm một vấn đề được dư luận quan tâm là quỹ đất có được sau di dời sẽ sử dụng ra sao? Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, việc tái cơ cấu sử dụng đất sau khi di dời được thực hiện với tỷ lệ 30-50% diện tích đất dành cho cây xanh và công trình hạ tầng xã hội. Diện tích đất còn lại dành cho công trình thương mại, dịch vụ. Bộ Xây dựng lưu ý không bố trí công trình nhà ở tại quỹ đất này. Cùng quan điểm với Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cũng kiến nghị không bố trí công trình nhà ở. Sở này còn đề xuất, ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời cho mục tiêu giáo dục và đào tạo như xây dựng cơ sở cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đào tạo nâng cao... Nhìn lại quá trình thực hiện chủ trương di dời các trường ĐH-CĐ, người ta không khỏi thất vọng vì tiến độ quá chậm so với kế hoạch. Để khắc phục thực tế này, Sở QH-KT Hà Nội kiến nghị, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Xây dựng cần báo cáo   Thủ tướng Chính phủ để thống nhất ngay tiêu chí, danh sách các trường và lộ trình thực hiện di dời. Nhằm đảm bảo tiến độ di dời, Sở QH-KT đề xuất, có thể vừa khai thác sử dụng địa điểm cũ, vừa chuẩn bị đầu tư xây dựng địa điểm mới. Chưa chỉ đích danh trường nào phải di dời trước, song, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ triển khai các dự án thí điểm làm cơ sở rút kinh nghiệm hoàn thiện các cơ chế chính sách. Tiếp đó, từ 2015-2020, sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng khung và các khu đại học tập trung để giãn các trường từ nội thành ra ngoài. Dẫu vậy, đây cũng mới chỉ là chương trình dự kiến. Các khó khăn, thách thức còn ở trước mắt. Không thừa khi nhắc lại rằng, ngoài quỹ đất khổng lồ cần chuẩn bị, mỗi trường ĐH-CĐ phải di dời cần số vốn đầu tư bình quân lên tới hàng chục triệu USD!