Dự trữ quốc gia: Cần dự trữ cho cả con cháu đời sau!

ANTĐ - Sáng nay (1-6), các đại biểu Quốc hội đã làm việc tại tổ để thảo luận, góp ý kiến vào hai dự án Luật Dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Cần dự trữ cho cả con cháu đời sau

Liên quan tới dự thảo Luật dự trữ quốc gia, đa số ý kiến thảo luận nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo đánh giá chung, so với pháp lệnh hiện hành, dự luật đã cụ thể hóa, bổ sung nhiều nội dung, hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo vẫn còn một số điểm cần được tiếp tục hoàn thiện.

Đại biểu Lê Trọng Sang (Tp.HCM) cho rằng, Dự trữ quốc gia là nhằm xử lý trường hợp đột xuất, nghiêm trọng như thiên tai và những khó khăn của nền kinh tế, không nên đưa mục tiêu rộng quá, dẫn tới khó thực hiện. Vì vậy, ông Sang đề nghị dự thảo luật nên xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải.

Theo ý kiến của đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM), quy định nguồn lực dự trữ quốc gia chủ yếu từ ngân sách nhà nước (NSNN) là chưa đủ. Trong điều kiện hiện nay khi tiềm lực NSNN có hạn, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia thì cần thiết phải có quy định nhằm tạo cơ chế để huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia. Thực tế cho thấy nếu có chính sách hợp lý thì sẽ huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước vào dự trữ quốc gia.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) nhận định, mọi hàng dự trữ quốc gia nhất thiết phải được lưu trữ trong kho hiện đại. Không chỉ là các loại hàng hóa đặc thù như quân trang, quân dụng, thuốc nổ mà kể cả hạt gạo, thuốc trừ sâu cũng phải lưu ý chất lượng chứ không chỉ để trên kệ, gần hết hạn rồi thanh lý.

Ông Phước cũng lấy ví dụ về vụ rò rỉ thuốc trừ sâu ở Ấn Độ khiến 2 triệu người đến nay là nạn nhân của ung thư để thấy được công tác bảo quản rất quan trọng. Bên cạnh đó, theo ông Phước, về tài nguyên quốc gia, hiện Thái Lan, Philippin thiên về dự trữ thực phẩm, còn nhiều quốc gia phát triển dự trữ nguyên liệu thô, nên chăng Việt Nam nên chọn những khoáng sản chủ chốt để mục tiêu dự trữ cho hậu thế nhằm có sự cố xảy ra để sau này con cháu có gì đó mà bảo đảm cuộc sống!

Ảnh minh họa


Quản lý thuế còn chưa rõ ràng

Thảo luận dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế, các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Quản lý thuế sau 4 năm thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế; tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện quyền, nghĩa vụ về thuế. Tuy nhiên, cùng với quá trình vận hành của nền kinh tế, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay đạo luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Một số đại biểu đánh giá, các quy định trong dự luật sửa đổi trình Quốc hội đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, dự thảo chưa đáp ứng hết những vấn đề thực tiễn đặt ra và tình trạng trốn thuế, vi phạm về kê khai thuế vẫn diễn ra.

Theo Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM), một số quy định trong dự thảo luật còn chưa thống nhất. Tại Điều 106 dự thảo luật sửa đổi đã nâng mức tiền phạt chậm nộp thuế từ 0,05% (Luật hiện hành) lên 0,07%, nhưng tại Điều 92 dự thảo luật vẫn quy định “người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Đại biểu Nguyệt Hương (Hà Nội) đề xuất, nên rút ngắn thời gian hoàn thuế từ từ 40 ngày xuống còn 15 ngày để doanh nghiệp có thể tăng cường vốn sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lại đề nghị nên điều chỉnh tiếp thuế thu nhập cá nhân vì hiện nay mức thu quá cao so với các nước trong khu vực. Ông cho rằng, thu nhập 5 triệu đồng đã phải đóng thuế mà 5 triệu đó bao gồm cả tiền nhà đủ thứ trên trời, trong khi ở một số nước trong khu vực mức 20 - 30 ngàn USD mới đóng 2%. "Cái này gọi là tận thu, chúng tôi chăm lo đời sống lao động đã vất vả mà còn gánh cả thuế thu nhập cá nhân cho họ nữa, mức này là quá cao", ông Hùng phát biểu.

Liên quan tới vấn đề quản lý, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, vấn đề quản lý, xử lý trong dự thảo vẫn còn chưa rõ ràng. Về các hành vi gian lận, trốn thuế, trong Luật hình sự có 1 điều quy định về việc trốn thuế, tuy nhiên trong Luật quản lý thuế lại chưa nói đến mức nào thì sẽ xử lý hình sự, gây vướng mắc cho các cơ quan quản lý.