Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Dự toán “vênh” quyết toán

(ANTĐ) - Hôm qua, 29-6, trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 41. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 và dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đồng thời Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc đưa dự án Luật Biển Việt Nam vào chương trình xây dựng luật năm 2011.

“Bệnh” dự toán vênh lớn so với quyết toán vẫn chưa trị dứt

Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày nêu rõ, do tình hình khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, kinh tế trong nước suy giảm mạnh, GDP

quý I-2009 chỉ tăng 3,14%. Chính phủ đã trình UBTVQH và Quốc hội các biện pháp chống suy giảm kinh tế. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2009, trong đó điều chỉnh một số chỉ tiêu quan trọng. Theo chỉ tiêu đã điều chỉnh, GDP năm 2009 là 5%; bội chi ngân sách không quá 7%; đồng thời Chính phủ được phép phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Như vậy, tổng số các khoản thu chi qua ngân sách Nhà nước lên tới 66.960 tỷ đồng.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến cho rằng các chính sách tài khóa - tiền tệ năm 2009 đã đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại không mới cần được tiếp tục chấn chỉnh. Ông nói: “Quốc hội cho phép bội chi ngân sách tăng từ 4,82% GDP lên không quá 7% GDP chỉ trong trường hợp giảm thu, song trong thực tế thì thu ngân sách không những không giảm mà còn vượt thu lớn so với dự toán. Vậy mà bội chi ở mức 6,9% GDP chỉ thấp hơn mức trần được phép có 0,1%, vì thế đã đẩy nợ Chính phủ tăng lên tới 42% GDP”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trăn trở: “Tôi tham gia Quốc hội đã 3 khóa, thấy “bệnh” dự toán vênh lớn so với quyết toán vẫn chưa trị dứt. Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng, nhưng vẫn còn tới gần 30% kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa được thực hiện. Đó là gì, nếu không phải là sự lỏng lẻo về kỷ luật tài chính”?

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, việc xây dựng dự toán không sát hiện nay có một nguyên nhân chủ quan rất quan trọng, đó là do “bệnh thành tích”, muốn vượt chỉ tiêu ở mức cao nên xây dựng dự toán thấp hơn so với năng lực thực tế. Bà Nguyễn Thị Doan cũng yêu cầu tăng cường công tác xử lý kỷ luật sau thanh tra, giám sát, bởi “chúng ta mất rất nhiều công sức để chỉ ra sai phạm, nhưng nếu những cá nhân và tổ chức sai phạm không bị kỷ luật đủ nghiêm khắc thì vi phạm vẫn cứ tiếp tục”…

Cũng trong ngày 29-6, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng dự án luật đã được Quốc hội thảo luận kỹ, nên đưa vào Chương trình chính thức của năm 2012. Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền lưu ý, trong quá trình hoàn thiện dự luật, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ chuyên ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… để thiết kế các quy định khả thi hơn.    

Đáng lưu ý, Báo cáo thẩm tra Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng nhiều Ủy viên UBTVQH đều bày tỏ sự đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Biển Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, dự kiến trình Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 2. Đây là dự án luật đã có thời gian chuẩn bị từ khá lâu, từng được dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6, rồi sau đó là kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XII, nhưng sau đó phải tạm gác lại.