Dự thảo thông tư: Quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Chỉ còn ít ngày nữa là hết thời hạn lấy ý kiến đóng góp (đến ngày 25-4-2020) Dự thảo Thông tư Quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân. Thông tư thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu toàn văn Dự thảo. 

Dự thảo thông tư: Quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân ảnh 1Cán bộ điều tra Công an Hà Nội lấy lời khai một đối tượng truy nã

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng 

1. Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung và hình thức thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân; các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an.

2. Thông tư này được áp dụng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động điều tra.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra 

Thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người tham gia tố tụng trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và hoạt động điều tra, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật; góp phần xây dựng Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; phòng, chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra 

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động điều tra hình sự. Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bảo đảm dân chủ đi đôi với trật tự, kỷ cương, điều lệnh Công an nhân dân, không xâm phạm đến hoạt động của cơ quan tư pháp.

3. Nghiêm cấm lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; cản trở hoạt động tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quan hệ phối hợp giữa Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; giữa Cơ quan điều tra các cấp và giữa Cơ quan điều tra với cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra

1. Quan hệ giữa Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là quan hệ phân công theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình. Khi có ý kiến khác nhau giữa Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Thủ trưởng quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật; các Phó Thủ trưởng có trách nhiệm thực hiện quyết định của Thủ trưởng nhưng có quyền bảo lưu ý kiến hoặc báo cáo, kiến nghị bằng văn bản lên cấp trên trực tiếp.

2. Quan hệ giữa các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra cùng cấp là quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng đơn vị.

3. Quan hệ giữa Cơ quan điều tra cấp trên với Cơ quan điều tra cấp dưới là quan hệ phân công và phối hợp theo nguyên tắc Cơ quan điều tra cấp trên hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan điều tra cấp dưới.

4. Quan hệ giữa Cơ quan điều tra với cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp là quan hệ phân công trách nhiệm và phối hợp trong hoạt động điều tra trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị. Cơ quan điều tra có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Điều 5. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

1. Trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan điều tra

a) Thủ trưởng Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm trước pháp luật, Thủ trưởng trực tiếp về việc triển khai các chủ trương, nhiệm vụ đối với hoạt động điều tra; trực tiếp tổ chức và chỉ đạo giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra.

b) Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và phải báo cáo cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền theo quy định.

c) Thủ trưởng Cơ quan điều tra có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra thực hiện và phối hợp thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.

2. Trách nhiệm của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

a) Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khi được phân công khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

b) Các Phó Thủ trưởng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và sự phân công, chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Điều 6. Tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự 

1. Cơ quan điều tra phải tổ chức tiếp nhận đầy đủ, xem xét, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; thông báo việc tiếp nhận và kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã báo tin, kiến nghị hoặc người đã tố giác tội phạm hoặc khiếu nại, tố cáo biết; phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người thân thích của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật. 

3. Cơ quan điều tra phải bố trí địa điểm thuận tiện và bố trí cán bộ trực ban hình sự 24/24 giờ hàng ngày để tiếp nhận, phân loại nguồn tin về tội phạm, đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của cá nhân, cơ quan, tổ chức và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cán bộ trực ban hình sự phải thực hiện theo đúng điều lệnh Công an nhân dân, có thái độ tôn trọng, lịch sự, đúng mực, lắng nghe, tận tâm giải quyết những yêu cầu chính đáng của công dân; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không được có thái độ ban ơn hoặc sách nhiễu công dân.

4. Tại trụ sở trực ban hình sự phải có hòm thư góp ý để tiếp nhận ý kiến góp ý của công dân. Hòm thư góp ý phải để nơi dễ quan sát, dễ nhìn thấy. Cán bộ trực ban hình sự phải thường xuyên kiểm tra hòm thư để kịp thời theo dõi, giải quyết các ý kiến góp ý của công dân.

Điều 7. Những việc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra không được làm 

1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. 

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc cụ thể sau đây:

a) Tự ý tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công; 

b) Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc;

c) Tiếp người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra;

d) Ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác. 

đ) Lợi dụng danh nghĩa công tác để gặp gỡ, nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự, người tham gia tố tụng khác và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

e) Bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Tiết lộ bí mật, tin tức, tài liệu vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết đang được điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai với người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp cần cung cấp thông tin phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra. 

h) Cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ); trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án.

i) Gây phiền hà để người tham gia tố tụng hoặc công dân phải chờ đợi, đi lại nhiều lần; lưu giữ (câu lưu) người được triệu tập (hoặc được mời) tại trụ sở cơ quan Công an.

3. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được làm những việc quy định tại các điểm b, d, đ, e, i khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

Điều 8. Những việc Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra phải nghiêm chỉnh chấp hành 

1. Khi tiến hành tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thực hiện các hoạt động điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra được phân công điều tra phải thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công theo quy định của pháp luật; phải giải thích cho người tham gia tố tụng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật; việc giải thích phải được ghi vào biên bản. 

2. Đối với các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo cho gia đình người bị giữ, người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt. Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở hoạt động điều tra thì được tạm thời ngừng việc thông báo nhưng sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay. 

3. Trong mọi trường hợp, khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng, Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều tra viên được giao thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, quyết định xử lý vật chứng có trách nhiệm giải thích cho các đối tượng bị khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với vật chứng trong vụ án biết về các quy định của pháp luật; việc giải thích trên phải được ghi vào biên bản.

4. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị buộc tội, quyền của người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

5. Ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với các hành vi tố tụng hoặc quan điểm điều tra, xử lý tội phạm phải thể hiện bằng văn bản. Trường hợp chỉ đạo trực tiếp bằng lời nói thì Điều tra viên phải ghi lại cụ thể, rõ ràng về nội dung ý kiến đó bằng văn bản và có xác nhận của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng đã cho ý kiến, sau đó đưa vào hồ sơ lưu của vụ án (AK).

Trường hợp Điều tra viên chưa nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ trưởng thì có quyền tiếp tục đề xuất hoặc kiến nghị lại; nếu Phó Thủ trưởng không nhất trí với ý kiến đề xuất, kiến nghị đó thì Điều tra viên vẫn phải nghiêm túc chấp hành, nhưng có quyền bảo lưu ý kiến của mình, đồng thời kiến nghị với Thủ trưởng về ý kiến của mình và phải chịu trách nhiệm về nội dung kiến nghị đó. Nếu Thủ trưởng đồng ý thì thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng.

MỤC II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, CÔNG AN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN, ĐỒN CÔNG AN, TRẠM CÔNG AN

Điều 9. Tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. 

2. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự phải đúng thẩm quyền, trình tự, thời gian theo quy định của pháp luật.

Khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm (kể cả khi tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm), nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo ngay bằng văn bản cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo các tài liệu có liên quan. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền xác minh, khởi tố, điều tra của cơ quan mình thì ra Quyết định phân công xác minh hoặc khởi tố theo quy định của pháp luật; đồng thời, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức và công dân đã báo tin, tố giác tội phạm biết theo quy định của pháp luật.

Đối với các khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình, cán bộ trực ban phải báo cáo lãnh đạo, đồng thời hướng dẫn cho người khiếu nại, tố cáo gửi đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; việc hướng dẫn phải ghi vào sổ theo dõi. 

3. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Những việc cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không được làm 

1. Cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra được phân công điều tra không được làm những việc quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ điều tra không được làm những việc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i khoản 2 Điều 7; cấp trưởng, cấp phó không được làm những việc quy định tại các điểm  b, d, đ, e và i khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

Điều 11. Những việc cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải nghiêm chỉnh chấp hành 

1. Khi tiến hành tố tụng hình sự, cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định tại các khoản 1, 5 Điều 8 Thông tư này.

2. Trong mọi trường hợp, khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, phải thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Cán bộ điều tra được giao thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án có trách nhiệm giải thích cho người bị khám xét, thu giữ, tạm giữ biết về các quy định này; việc giải thích phải được ghi vào biên bản.

Điều 12. Những việc cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an không được làm khi tiến hành tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm

1. Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm;

2. Nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho công dân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp cấp bách công dân đến báo tin về tội phạm; đồng thời phải báo cáo ngay với lãnh đạo trực tiếp biết;

3. Nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người tham gia tố tụng, người thân thích của họ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

4. Tư vấn cho người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật;

5. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc;

6. Đưa hồ sơ, tài liệu vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

MỤC III.  QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG, CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG OAN, SAI TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

Điều 13. Những việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ tham gia khi Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành tố tụng 

1. Phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án, vụ việc mà Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang giải quyết.

2. Bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã theo quy định của pháp luật.

3. Phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và kiến nghị những biện pháp phòng ngừa, khắc phục.

4. Đóng góp ý kiến để xây dựng Cơ quan điều tra và cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra biết hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, tiến hành điều tra, giải quyết vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

Điều 14. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về quyết định, hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 15. Giải quyết, bồi thường trong hoạt động điều tra 

Trong mọi trường hợp công dân bị khởi tố bị can, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trái pháp luật đều phải được phục hồi về danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cũng như được bồi thường về vật chất, tinh thần theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực của Thông tư

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày... tháng... năm 2020. 

Thông tư này thay thế Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ- BCA(V19) ngày 9-11-1998 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. 

Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này, báo cáo kết quả về Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục An ninh điều tra để tập hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Công an.

2. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục An ninh điều tra giúp Bộ trưởng Bộ Công an kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này. 

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Cục An ninh điều tra Bộ Công an) để hướng dẫn, giải quyết./.