Dự thảo Thông tư Quy định về cơ sở giám định cổ vật: Không nên quá coi trọng bằng cấp

ANTĐ - Trong khi số cổ vật có hạn, người chơi cổ vật lại đông đảo khiến nhiều kẻ hám lợi tìm mọi cách để sản xuất đồ giả cổ. Những món đồ cổ giả ngày càng được chế tác tinh vi đã đặt ra một nhu cầu cấp thiết về việc cần thành lập những trung tâm giám định cổ vật.

Việc thành lập các trung tâm giám định cổ vật là nhu cầu cấp thiết

Những năm gần đây không chỉ các bảo tàng, các nhà sưu tầm cổ vật lâu năm mà cả những người mới giàu lên có nhu cầu săn lùng, tìm mua cổ vật về bày như một thú chơi. Nhưng cũng chính vì nhu cầu quá lớn mà cổ vật giả xuất hiện nhiều và tinh vi hơn. Thậm chí, ngay cả một người đã có nhiều năm kinh nghiệm theo đuổi thú chơi cổ vật vẫn có thể bị lừa. Việc thành lập những trung tâm giám định cổ vật là vô cùng cần thiết, tạo hành lang pháp lý bảo vệ những người chơi cổ vật và từng bước loại bỏ những món đồ giả cổ. Đó là một nhu cầu có thật, đang ngày một lớn dần, tạo nên sức ép cho những nhà quản lý trong lĩnh vực này. Và cũng xuất phát từ nhu cầu ấy, vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã bắt tay vào xây dựng Dự thảo “Thông tư Quy định về cơ sở giám định cổ vật” và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân cũng như các cơ quan ban ngành. Thông tư này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện, có thể đứng ra thành lập cơ sở giám định cổ vật.

Tuy nhiên, theo hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về cơ sở giám định cổ vật do Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, vẫn còn nhiều quy định lỏng lẻo, thiếu tính thực tiễn. Trong đó, tại điều 6 quy định, về nhân lực tham gia giám định cổ vật phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành bảo tàng, khảo cổ, Hán - Nôm. Điều này đã vấp phải sự phản biện gay gắt từ phía những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giám định cổ vật.

Theo nhận định của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTT&DL: “Vấn đề quy định trình độ của người giám định cổ vật phải tốt nghiệp đại học là quá máy móc. Tôi công nhận bằng cấp là quan trọng, nó là sự khẳng định cho kiến thức của những người được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có đặc thù riêng. Nếu cứ máy móc vin vào tấm bằng đại học mà thiếu đi sự linh hoạt, chúng ta sẽ để lọt rất nhiều những người tài, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giám định cổ vật. Hơn nữa, dù là tốt nghiệp đại học cũng không chắc đã thẩm định đúng.

Trong thực tế, tôi quen biết rất nhiều người mặc dù không có bằng đại học, nhưng khả năng giám định tốt, có kinh nghiệm. Với những người như thế, nếu theo đúng dự thảo thì phải giải quyết ra sao. Hơn nữa, theo tôi, nhiều địa phương không thể đáp ứng được yêu cầu này bởi nguồn nhân lực còn hạn chế”. Cũng chung quan điểm với GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hội cổ vật Thăng Long cho rằng, nếu cứ đúng quy định mà làm, thì ai cũng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật được. Như thế, tiêu cực sẽ có cơ hội phát sinh, nhất là với những yêu cầu về nhân lực tham gia tổ chuyên gia giám định cổ vật. Theo ông, nên quản lý chặt hơn những cơ sở giám định, và trân trọng những kiến thức, khả năng giám định của những người mặc dù không có bằng cấp nhưng lại có kinh nghiệm và những kiến thức về chuyên ngành này.