Dự thảo phát ngôn của công chức nhằm siết chặt kỷ cương hành chính

ANTD.VN - Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội dự thảo “Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”. Đây là quy định tiếp nối “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”, đồng thời cũng là một trong những biện pháp siết chặt kỷ cương hành chính.

Dự thảo phát ngôn của công chức nhằm siết chặt kỷ cương hành chính ảnh 1Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội nhằm siết chặt kỷ cương hành chính

Hạn chế cán bộ nói ngọng, nói lắp… 

Theo đó, mục đích của dự thảo quy định nhằm định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với cá nhân, tổ chức. 

Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Quy định trình UBND TP Hà Nội xem xét có 3 chương, 9 điều. Trong đó, ngoài việc đưa ra các yêu cầu về sự thân thiện, chân thành, cởi mở, giúp đỡ nhiệt tình, cư xử lịch thiệp, thông cảm, chia sẻ… trong quá trình xử lý công việc, tiếp dân, cán bộ công chức, viên chức Hà Nội cũng cần phải có tác phong tự tin, đúng mực, phù hợp quy tắc ứng xử. 

“Quy định không nói ngọng, nói lắp quá nhạy cảm. Bởi lẽ, Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương, không thể yêu cầu cán bộ có quê ở các tỉnh miền Trung không nói giọng địa phương hoặc cán bộ quê ở một số tỉnh phía Bắc phải nói chuẩn chữ “l” và “n”…”.

Ông Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học)

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở VH-TT Hà Nội đưa ra ví dụ, khi có việc, báo chí cần liên hệ với một sở, ngành cụ thể thì người được giao phát ngôn phải gác lại công việc khác, để trả lời phỏng vấn, tránh chuyện “đáp xoay” rồi “đá bóng sang chân người khác” đùn đẩy trách nhiệm. Trang bị đầy đủ kiến thức trong khi phát ngôn, không né tránh trả lời câu hỏi về chính lĩnh vực mà mình phụ trách. Bên cạnh đó, trong quá trình giao tiếp cần tôn trọng các giá trị văn hóa, không nên tỏ thái độ cáu gắt, rồi ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết. 

Ông Ngô Văn Nam cũng cho biết, một trong những điều khoản mới nhất của quy định, thậm chí có thể gây “sốc” là: “Hạn chế nói ngọng, nói lắp; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ”. Theo Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa và Gia đình giải thích điều khoản khi xây dựng, ban soạn thảo cũng đã lường trước được “chỉ số nhạy cảm”, tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, không nên đánh đồng giữa tiếng địa phương với nói ngọng, nói lắp. Bởi lẽ, quy định này chỉ mong muốn hạn chế được tật nói ngọng, nói lắp trong cán bộ viên chức Hà Nội mà thôi.

Hạ nhiệt khi nóng giận

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến phát ngôn của công chức, viên chức, thái độ ứng xử “lệch chuẩn” khi tiếp xúc với nhân dân. Điều đó không chỉ vi phạm kỷ cương hành chính, bên cạnh đó còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh Hà Nội văn minh, thanh lịch. Xuất phát từ lý do đó, dự thảo quy định đưa ra các điều khoản khuyến cáo như: “Khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ. Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được luật pháp cho phép. Bên cạnh đó, “nếu người cùng giao tiếp có hành vi rõ ràng là thái quá, trái pháp luật, cần biết cách kết thúc cuộc giao tiếp và đề nghị người có thẩm quyền và cơ quan chức năng can thiệp, xử lý”.

Tại mục 5, Điều 3 quy định: “Không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân”. Ông Ngô Văn Nam giải thích thêm, cán bộ đương nhiên có quyền sử dụng mạng xã hội, cụ thể ở đây là Facebook, tuy nhiên cần tránh những quan điểm cá nhân đi ngược lại với quan điểm chính sách lên mạng xã hội. Đặc biệt là, ở cơ quan công sở hàng ngày vẫn làm việc đó, nhưng lại lên mạng xã hội phản biện lại chính công việc mình đang làm thì không nên chút nào. 

Siết chặt kỷ cương hành chính

Đầu năm 2017 vừa qua, Hà Nội đã ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử, trong đó hành vi ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc TP Hà Nội đều thuộc đối tượng phải điều chỉnh trong 2 bộ Quy tắc này. Vì thế, nhiều người lo ngại quy tắc chồng quy tắc. Song theo ông Ngô Văn Nam, Hà Nội chưa có quy định nào cụ thể ăn mặc, chuẩn bị kiến thức, xử lý tình huống trong phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bộ quy tắc trước đây mới đề cập khá chung chung về ngôn ngữ giao tiếp của cán bộ công chức, viên chức, chính vì thế, quy định này sẽ cụ thể hóa tình huống, thái độ, cử chỉ khi phát ngôn. 

Quy định văn hóa phát ngôn được xây dựng dựa trên yêu cầu siết chặt kỷ cương hành chính của UBND TP. Trước đó, Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế, lấy ý kiến của các ban ngành, hoàn thiện dự thảo, trình UBND TP xem xét ban hành trong thời gian tới.

“Xã hội hiện đại làm cái gì cũng phải theo đúng quy chế, luật pháp. Có quy tắc, có quy định thì sẽ rõ ai làm đúng được tuyên dương, ai làm sai bị nhắc nhở chê trách. Đối với công chức, viên chức phải hiểu chính quyền là của dân. Đang thi hành công vụ mà nói năng thiếu sự tôn trọng dân là không được. Khi có quá nhiều vấn đề xã hội bức xúc, người làm văn hóa và cơ quan chức năng phải nghĩ ra quy định để đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan. Tuy nhiên, Quy định, quy chế cần phải nghiên cứu kỹ, nội dung phải đúng, văn bản có tính pháp quy không được trái với luật, càng không trái Hiến pháp, phải có tính khả thi, ra quy định phải có cơ chế hướng dẫn thực hiện, có kiểm tra, kiểm soát xem ai thực hiện tốt, ai không thực hiện tốt”. 

TS. Nguyễn Viết Chức (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội)