Dự thảo Luật Tiếp công dân chưa thuyết phục

ANTĐ - Chiều 31-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về 2 dự án: Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Cả 2 dự luật này đều bị các ĐBQH chê là sơ sài, có nhiều quy định khó khả thi nếu triển khai trong thực tế.

Dự thảo Luật Tiếp công dân chưa thuyết phục ảnh 1
Đánh giá về dự thảo, ĐB Trịnh Ngọc Thạch nói thẳng: “Càng đọc càng chán.
Đây không phải là một dự thảo luật. Nếu cần thì nên hoãn lại, không vội trình ra Quốc hội”


Đồng tình nên có Luật Tiếp công dân song đa số ĐBQH không hài lòng với dự thảo được trình Quốc hội. Hầu hết các ý kiến đều có những cụm từ nặng nề như “không khả thi”, “bất hợp lý”, “quá lủng củng”, “lộn xộn”, “chồng chéo”... Đây có lẽ là dự luật khiến các ĐBQH thất vọng nhất từ trước tới nay. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) chê lên chê xuống: “Dự thảo rất sơ sài. Trang nào cũng phải sửa. Không điều nào là không phải góp ý. Nhiều khái niệm đưa ra không chuẩn xác...”. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) tiếp: “Có quá nhiều băn khoăn! Chúng tôi rất kỳ vọng dự luật này nhưng đọc chỉ thấy ngỡ ngàng về sự bất hợp lý, thiếu đồng bộ từ trên xuống dưới. Nhìn chung, các quy định chưa tạo ra được điểm gì đột phá, khó có thể khắc phục được những hạn chế trong việc tiếp dân hiện nay, chứ chưa nói tới hy vọng làm cho việc tiếp dân bớt hình thức...”.

ĐB Đặng Minh Châu - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng đồng tình, “dự luật viết như để kịp tiến độ”. Kể lại câu chuyện đi tiếp công dân với vai trò là ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói, cán bộ tiếp dân phải có lòng thương dân, đó mới là điều cốt lõi. “Tiếc là một số cán bộ hiện nay không thiện cảm với dân, không có lòng kính dân, thiếu đồng cảm với người đi khiếu kiện. Tôi đi tiếp dân, ngực đeo huy hiệu Quốc hội hẳn hoi, thế mà vừa vào thì ông phụ trách phòng tiếp dân nạt ngay “ông đi đâu, có việc gì”. Với ĐBQH mà còn thế, nói gì khi tiếp dân...”. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đồng cảm: “Tôi đi tiếp dân cũng đeo huy hiệu Quốc hội nhưng thái độ cán bộ ở đó không chấp nhận được. Hình như họ ghét người đi khiếu kiện nên ghét lây sang cả người tiếp dân...”.

Đánh giá về dự thảo, ĐB Trịnh Ngọc Thạch nói thẳng: “Càng đọc càng chán, không muốn đọc nữa. Đây không phải là một dự thảo luật. Nếu cần thì nên hoãn lại, không vội trình ra Quốc hội”. Chủ trì buổi họp tổ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ông Chu Sơn Hà chốt lại: “Như vậy, các ĐBQH đều đồng tình, dự thảo thế này không thể đưa ra trình Quốc hội được...”.

Chiều 31-5, thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các quy định trong dự thảo còn quá sơ sài, có nhiều điều khoản xa lạ và không khả thi trong thực tế. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý: “Chưa có quy định khả thi về phòng chống, mua bán trái phép thuốc bảo vệ thực vật của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tự do. Trong khi đây mới là những đối tượng thường xuyên buôn bán, cung cấp những loại thuốc không rõ nguồn gốc và đưa trực tiếp vào trong dân”.

Dự thảo có quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về kiểm dịch bảo vệ thực vật nhưng lại thiếu sự đồng nhất với các luật hiện hành. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết: “Dự thảo đưa ra 8 cơ quan cùng chịu trách nhiệm quản lý, nhưng lại không rõ cơ quan chủ trì làm đầu mối, sẽ dẫn đến sự rối rắm và chồng chéo khi thực hiện”. ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đồng tình: “Nên quy định rõ Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì, các Bộ khác có liên quan và phải có trách nhiệm  phối hợp”.

Các ĐBQH cũng cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và có chế tài mạnh mới xử lý được vấn đề quản lý lỏng lẻo và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Phải đưa ra những quy định cụ thể để người dân và các cấp chính quyền thấy được trách nhiệm của mình trong bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.