Dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi có gì mới đáng lưu ý?

ANTD.VN - Bộ GTVT đang xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật GTĐB năm 2008.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Luật GTĐB đã trải qua 12 năm thực hiện. Bên cạnh kết quả tích cực, Luật GTĐB năm 2008 đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung như: Về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ chưa đảm bảo; hạn chế về hạ tầng giao thông thông minh khiến cho việc xử phạt không minh bạch.

Vì vậy, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/2019, Bộ GTVT xây dựng dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật GTĐB năm 2008.

Xe đạp điện, xe máy điện sẽ được đưa vào quản lý trong Luật GTĐB sửa đổi lần này

Cụ thể, một số điểm mới đáng chú ý sẽ được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi như: khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng; bổ sung các hành vi cấm để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn...

Xe chở học sinh được nhường đường

Dự thảo Luật cũng bổ sung nguyên tắc nhường đường cho xe chở học sinh; nguyên tắc đảm bảo người điều khiển giao thông phải đứng ở vị trí thuận tiện cho người tham giao thông quan sát và nhìn thấy rõ cả ban đêm và ban ngày; sửa đổi quy định về thắt dây an toàn toàn tại các vị trí có dây an toàn theo quy định của Công ước GTĐB.

Bên cạnh đó, các nguyên tắc về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường cũng được luật hóa, quy định về khoảng cách đảm bảo an toàn giao thông theo quy tắc 3s và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh việc sửa sửa đổi, bổ sung  các quy tắc giao thông trên đường cao tốc, dự thảo Luật cũng bổ sung quy tắc cho người đi bộ; tổ chức giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông và quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc xử lý ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Dự thảo bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ, quy định về đường giao thông nông thôn.

Quản lý xe đạp điện, xe máy điện

Thực tế đang nổi lên vấn đề mất an toàn của xe đạp điện, xe máy điện, 80% TNGT tử vong ở trẻ em liên quan đến tự điều khiển phương tiện. Do đó, dự thảo Luật GTBĐ sẽ hoàn thiện quy định để giải quyết dứt điểm thực trạng này.

Cùng đó, dự thảo cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện như quy định trách nhiệm cụ thể giữa hai kỳ đăng kiểm, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc đảm bảo yêu cầu về điều kiện phương tiện khi tham gia giao thông, giao phương tiện cho người đủ điều kiện điều khiển.

Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép người lái xe sử dụng giấy xác nhận của tổ chức tín dụng để thay thế khi giấy đăng ký xe được giữ khi cầm cố phương tiện tại các tổ chức tín dụng;

Về vận tải đường bộ, dự Luật nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để đảm bảo phân định cụ thể giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ, hoạt động vận tải cá nhân; phân loại lại các loại hình vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình vận tải; giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết, tập trung vào các điều kiện kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời bổ sung quy định quản lý về hàng hoá ký gửi, hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ...

Ông Huyện cho biết, tầm nhìn trong sửa Luật lần này là 15-20 năm, các loại hình phương tiện thay đổi, dự báo cho phát triển các loại xe công nghệ hiện đại trong tương lai ví dụ như: ô tô bay cũng được tiếp thu chỉnh sửa trong Luật.