Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phần tiếp theo).

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 82. Nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

4. An toàn phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

6. Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

7. Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ.

8. Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trung tâm giám sát, điều khiển giao thông đường bộ.

10. Thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đăng ký xe, xử lý vi phạm và quản lý người lái xe.

11. Giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

12. Hợp tác quốc tế về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 83. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

2. Thống nhất kiểm soát đối với các phương tiện giao thông đường bộ được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam và nhập khẩu từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Điều 84. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; báo cáo về tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ với Chính phủ, Quốc hội. 

2. Cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới.

3. Tổ chức kiểm định xe cơ giới của Công an sử dụng vào mục đích an ninh.

4. Sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe.

5. Chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ;

6. Chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ đang khai thác khi xảy ra vụ việc gây mất an toàn giao thông do nguyên nhân tổ chức giao thông hoặc khi có yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ; tham gia hội đồng nghiệm thu đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ trước khi đưa vào khai thác; tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh, thay đổi hệ thống báo hiệu đường bộ;

7. Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

8. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thông báo tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ hoặc đột xuất.

9. Quản lý, sử dụng trung tâm chỉ huy điều khiển hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

10. Thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đăng ký xe, xử lý vi phạm và quản lý người lái xe; kết nối, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

11. Giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

12. Kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định; xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, hoạt động đào tạo lái xe.

13. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải về nội dung an toàn giao thông trong xây dựng kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.

Điều 85. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Căn cứ các quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, phát triển phương tiện giao thông đường bộ.

2. Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật; tổ chức thiết kế, lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ.

3. Thiết kế, tổ chức luồng, tuyến, làn, phân cấp kỹ thuật công trình đường bộ.

4. Triển khai hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em tại các đô thị loại I trở lên; tổ chức giao thông theo thứ tự ưu tiên cho người đi bộ, người điều khiển xe thô sơ, phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị.  

5. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.

6. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo lái xe theo quy định của Chính phủ.

Điều 86. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan

1. Bộ Quốc phòng: 

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng;

b) Kiểm định xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng;

c) Đào tạo, sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo: 

 Nghiên cứu đưa pháp luật về trật tự, giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với mục tiêu giáo dục, ngành nghề đào tạo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phổ thông, cơ bản, thiết thực và có hệ thống.

3. Bộ Y tế: 

a) Cung cấp thông tin các vụ tai nạn giao thông đường bộ; 

b) Quản lý điều kiện về sức khỏe của người lái xe tham gia giao thông; phối hợp với Bộ Công an trong việc kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Xây dựng và triển khai các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ, cao tốc theo lộ trình Chính phủ quy định.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông: 

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thường xuyên, liên tục, rộng rãi đến toàn dân. 

5. Bộ Khoa học và Công nghệ: 

a) Xây dựng, ban hành, công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel, nhiên liệu sinh học với chất lượng tương ứng mức tiêu chuẩn khí thải; 

b) Phối hợp với Bộ Công an ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.

6. Bộ Tài chính: 

a) Xây dựng, ban hành mức phí thử nghiệm, kiểm tra khí thải xe cơ giới, khuyến khích các loại xe cơ giới thân thiện với môi trường; 

b) Ban hành hoặc tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn sử dụng, phân bổ nguồn kinh phí liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc sử dụng biên lai điện tử, chứng từ lệ phí trước bạ điện tử trong xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và đăng ký xe.

7. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch: 

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ để loại bỏ những thông tin kích động hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trước khi cho lưu hành các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; giám sát chặt chẽ việc gắn quảng cáo rượu, bia với cảnh báo tác hại, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nếu điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 

Chủ trì nghiên cứu, bổ sung các mục tiêu về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải và dự báo nhu cầu giao thông vào các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, trong các nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

9. Bộ Công Thương:

Quản lý việc sản xuất, nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng, thiết bị của phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam.

Điều 87. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại địa phương.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý; quy định điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương.

Điều 88. Trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông

1. Trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông có chức năng giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông; kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Các trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông do Bộ Công an quản lý và vận hành, kết nối thông suốt với nhau trên địa bàn cả nước.

Điều 89. Cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và các công tác quản lý nhà nước khác có liên quan. Cơ sở dữ liệu dùng chung gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về tổ chức giao thông;

b) Cơ sở dữ liệu về quản lý phương tiện;

c) Cơ sở dữ liệu về quản lý người điều khiển phương tiện;

d) Cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

đ) Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông;

e) Cơ sở dữ liệu về nộp thuế, phí, lệ phí, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

2. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô kinh doanh vận tải được kết nối, chia sẻ với cơ quan Công an để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự; thông tin dữ liệu hình ảnh từ camera của xe ô tô kinh doanh vận tải phải cung cấp cho cơ quan Công an để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Công an có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các thông tin dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị camera ghi, lưu trữ hình ảnh của xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải.

3. Chính phủ quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 90. Kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 91. Hợp tác quốc tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia với các nước; khuyến khích các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 92. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày    tháng     năm 

2. Luật này thay thế Luật .....

Điều 93. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.