Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 2 tháng từ ngày 2-6-2020 đến ngày 2-8-2020. Dự thảo Luật này gồm 08 chương 93 điều quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn dự thảo luật lần lượt qua các số báo.

Chương VI

THỰC THI PHÁP LUẬT TRONG PHÁT HIỆN, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ

Mục 1

THỰC THI PHÁP LUẬT TRONG PHÁT HIỆN, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 76. Tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ

1. Cảnh sát giao thông thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông đường bộ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các hành vi vi phạm pháp luật khác của người và phương tiện tham gia giao thông; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

2. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát:

a) Phục vụ, giúp đỡ người tham gia giao thông được thuận lợi, thông suốt và an toàn; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ khi tham gia giao thông;

b) Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ được phân công theo mệnh lệnh, kế hoạch của cấp có thẩm quyền;

c) Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;

d) Chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ và tham gia phòng chống biểu tình gây rối, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

đ) Phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và trật tự, an toàn giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ảnh 1CSGT tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông

3. Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát:

a) Được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát trong các trường hợp sau đây:

Thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác;

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác mà nếu không dừng phương tiện giao thông đường bộ sẽ nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho xã hội;

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch của cấp có thẩm quyền về việc dừng phương tiện giao thông đường bộ để kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác;

Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

Việc dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở, ùn tắc giao thông;

b) Được kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, giấy tờ của phương tiện giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đường bộ đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ; 

c) Xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;

d) Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

đ) Được trang bị, lắp đặt và sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

e) Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc, tai nạn giao thông đường bộ hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác  về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

4. Hình thức tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông

a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;

b) Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông;

c) Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông;

d) Kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

5. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát giao thông để tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm:

a) Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; 

c) Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; 

d) Thiết bị ghi âm và ghi hình; 

đ) Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; 

e) Thiết bị đo, thử chất ma túy; 

g) Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; 

h) Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; 

i) Thiết bị đo áp lực hơi của lốp xe cơ giới; 

k) Thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới;

l) Thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới; 

m) Phương tiện đo độ ồn; 

n) Phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới;

o) Thiết bị đo âm lượng; 

p) Thiết bị đo cường độ ánh sáng; 

q) Thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới;

r) Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

6. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông; trang bị, quản lý, quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; huy động các lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã, phường, thị trấn tham gia tuần tra, kiểm soát.

Điều 77. Xử phạt vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, bị trừ điểm trên giấy phép lái xe hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định sau đây:

a) Áp dụng hình thức xử phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe cơ giới vi phạm một trong các hành vi sau đây:

Trong cơ thể có chất ma túy, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

Xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h đi vào đường cao tốc (trừ các xe phục vụ, quản lý bảo trì đường cao tốc);

Đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

Lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép;

Xe ô tô chạy quá tốc độ trên 35 km/h, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 20 km/h;

Xe ô tô chở khách, xe ô tô chở người (trừ xe buýt) chở quá số người vượt trên 100% số người được phép chở;

Xe ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 150%;

Xe ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%;

Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn của xe;

Vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

b) Áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới vi phạm một trong các hành vi sau đây:

Liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

Kéo theo hoặc đẩy xe khác, vật khác trái quy định; chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển;

Sử dụng điện thoại di động; sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng ô (đối với xe mô tô, xe gắn máy);

Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;

Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; 

Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;

Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;

Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

Không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;

Xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/h đến 35 km/h; xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10 km/h đến 20km/h;

Không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;

Không gắn biển số theo quy định; gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

Sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe;

Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên.

Xe ô tô chở khách, xe ô tô chở người (trừ xe buýt) chở quá số người vượt trên 50% đến 100% số người được phép chở;

Xe ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 50% đến 150%;

Xe ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 150%;

Vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường;

Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên;

Lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định; xe ô tô lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe;

Xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn  an toàn kỹ thuật; không đủ hệ thống hãm hoặc  có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

Xe sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông;

Xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng);

Xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

Xe mô tô, xe gắn máy chở từ 03 người trở lên; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;

c) Các hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.

3. Người có thẩm quyền được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị (không phải là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) do cá nhân, tổ chức cung cấp thành các chứng cứ để xác định vi phạm hành chính.

4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều này.

Điều 78. Giám sát việc thực thi pháp luật 

1. Việc thực thi pháp luật được nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền giám sát theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công an trang bị, lắp đặt các thiết bị kỹ thuật để giám sát quá trình thực thi pháp luật của lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Thiết bị ghi âm, ghi hình phải được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Mục 2

TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ

Điều 79. Trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông

1. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, có trách nhiệm giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.

2. Người tham gia giao thông có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu kiểm soát của người thi hành công vụ và có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 80. Trách nhiệm pháp lý của chủ phương tiện trong xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ 

1. Đối tượng được coi là chủ phương tiện bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm:

a) Cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe;

b) Trường hợp người điều khiển phương tiện là chồng (vợ) của cá nhân đứng tên trong Giấy đăng ký xe thì người điều khiển phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;

c) Đối với phương tiện được thuê tài chính của tổ chức có chức năng cho thuê tài chính thì cá nhân, tổ chức thuê phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;

d) Đối với phương tiện thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã và được hợp tác xã đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì hợp tác xã đó là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;

đ) Trường hợp phương tiện do tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp (theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân khác hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật) trực tiếp đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phương tiện thì tổ chức, cá nhân đó là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;

e) Đối với phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;

g) Đối với tổ hợp xe (gồm xe ô tô kéo theo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc tham gia giao thông trên đường bộ), trong trường hợp chủ của xe ô tô không đồng thời là chủ của rơ moóc, sơ mi rơ moóc thì chủ của xe ô tô (cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a khoản này hoặc cá nhân, tổ chức quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản này) là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện đối với các vi phạm liên quan đến rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo theo tham gia giao thông trên đường bộ;

h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ảnh 2Lực lượng chức năng cùng nhân viên vệ sinh môi trường dọn cát rơi vãi trên đường, nhằm đảm bảo an toàn giao thông

2. Người lái xe được coi là đại diện chủ phương tiện trong trường hợp chủ phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện (trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép).

3. Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Nếu chủ phương tiện không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện (chủ phương tiện là cá nhân) hoặc không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện (chủ phương tiện là tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện (trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép).

Điều 81. Trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức gây cản trở, mất an toàn giao thông đường bộ

1. Cá nhân, tổ chức khoan, đào, xẻ đường, hè phố trái phép hoặc lấn chiếm, sử dụng, chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ sẽ bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu gây ra thiệt hại cho người, phương tiện, tài sản của người tham gia giao thông khác thì cá nhân, tổ chức nêu trên phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đoạn đường bộ đang được xây dựng hoặc bị hư hỏng mà không đặt biển báo kịp thời, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không có đèn hoặc tín hiệu cảnh báo giao thông, gây hậu quả thiệt hại cho người, phương tiện tham gia giao thông, thì đơn vị được giao quản lý, khai thác, bảo trì, thi công đoạn đường bộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm của mình.

3. Đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông mà không xử lý, sửa chữa kịp thời thì tùy tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả thiệt hại gây ra cho người, phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Tổ chức, cá nhân trồng cây hoặc dựng, treo, đặt, để không đúng quy định các vật trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông thì cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu tổ chức, cá nhân khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi và xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Cá nhân có hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ; ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.