Dự thảo có căn cứ lý luận và thực tiễn, đảm bảo độ tin cậy

ANTD.VN -Báo ANTĐ tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.

PGS.TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam: Quy hoạch cần nâng tầm Thủ đô Hà Nội

“Dự thảo văn kiện gồm 2 phần. Phần 1 là đánh giá kết quả theo tôi là đầy đủ, nổi trội, rõ ràng. Phần 2 về mục tiêu, giải pháp, tôi rất hoan nghênh việc đặt ra vấn đề không chỉ đến 2025 mà còn tầm nhìn đến năm 2045, rất sát với chiến lược của ta và dự kiến phát triển thời gian tới. Như vậy đây là bố cục hợp lý, khoa học, đáp ứng yêu cầu và rất công phu, chất lượng. Tôi cũng tâm đắc từ “sáng tạo” trong phương châm Đại hội, sáng tạo ở đây không phải sáng tạo thiết kế mà sáng tạo ở cả 7 lĩnh vực. Đây là vấn đề thực tiễn, nâng tầm, mở rộng giá trị Hà Nội. Tuy vậy, tôi vẫn băn khoăn khi kết thúc của báo cáo không có kết luận khiến người đọc bị hụt hẫng. 

Liên quan đến nội dung quy hoạch, dự thảo đã được biên tập đồng bộ, có số liệu thuyết phục về công tác quy hoạch xây dựng, nêu rõ về lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Nhưng tôi góp ý thêm, khái niệm về quy hoạch hiện nay gồm nhiều lĩnh vực. Báo cáo này mới chỉ đề cập xây dựng mà thiếu thành tựu của Hà Nội về công tác quy hoạch nói chung. Đây là thành tựu lớn của Hà Nội, gồm: quy hoạch kinh tế, xây dựng, đất đai, các ngành khác… Công tác quy hoạch của Hà Nội là nổi trội, đột phá so với các tỉnh, thành phố khác. 

Riêng công tác quy hoạch xây dựng, dự thảo đánh giá “bước đầu đạt kết quả tích cực”. Tôi thấy đây là nhận xét còn phân vân, quá thận trọng và phản ánh đúng tình trạng quy hoạch hiện nay của Hà Nội. Tôi đề nghị bỏ từ “bước đầu” trong đánh giá. Hà Nội rất dũng cảm và mạnh dạn, đột phá trong xây dựng quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 mà chưa tỉnh, thành phố nào làm được. 

Ngoài ra, nên nhấn mạnh đột phá khác của Hà Nội là thành phố đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, khu đô thị thông minh và đặc biệt xu hướng kiến trúc xanh. Báo cáo này chưa tự nhận  đây là bước phát triển tiên tiến. 

Về xây dựng nông thôn mới, có thể khẳng định Hà Nội dẫn đầu cả nước và có những đột phá về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong báo cáo nêu khái quát về kết quả đạt được nhưng chưa thấy nổi trội về đặc thù của nông thôn mới Hà Nội. Hiếm có Thủ đô nào trên thế giới mà tỷ trọng nông thôn, nông nghiệp lớn như thế. Vừa qua, nông thôn mới của Hà Nội có thành tích lớn nhưng dự thảo diễn đạt chưa nổi trội. Nội dung về chùm đô thị cũng chưa được đề cập thỏa đáng. 

Về một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô, nên thay thế bằng xây dựng không gian kiến trúc đặc thù của Thủ đô như: không gian đi bộ, không gian Hoàng thành Thăng Long… Tôi cũng mong Đại hội đề xuất điều chỉnh Luật Thủ đô, vì Luật này có 27 điều thì 11 điều liên quan đến xây dựng. Điều chỉnh Luật Thủ đô sẽ không nhất thiết phải xin cơ chế đặc thù nữa”. 

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” là phương châm rất chính xác và phù hợp

“Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Các nội dung trong dự thảo có căn cứ lý luận và thực tiễn, bảo đảm độ tin cậy về mặt khoa học. Về cơ bản, tôi nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị.

Tuy nhiên, tôi cũng xin tham gia đóng góp một số ý kiến. Về bố cục, dự thảo chia làm 2 phần là hợp lý, logic; cách trình bày, diễn đạt sáng rõ. Tuy nhiên, trong phần thứ 2 không cần chữ “5 năm” vì nội dung “Phần thứ hai: Mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025” là đã rõ.

Về chủ đề đại hội có 4 thành tố theo tôi là đúng, hay và hợp lý. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần tạo dấu ấn riêng của nhiệm kỳ mới ngay từ chủ đề. Cụ thể, bổ sung, chỉnh sửa thành tố thứ tư của chủ đề đại hội thành: “Phấn đấu đến năm 2025 là Thủ đô đang phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là Thủ đô phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Vì thực tế, Hà Nội đã dự báo đến năm 2025 đạt tổng thu nhập bình quân đầu người từ 8.100 đến 8.300USD, là mức thu nhập trung bình cao. Ngoài ra, thành tố đầu tiên của chủ đề nên thêm từ “chỉnh đốn”, để thành: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu...”. Tôi cũng hoàn toàn tán thành đối với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” của Đại hội vì đây là phương châm rất chính xác, hay và phù hợp.

Về 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá được nêu trong dự thảo, tôi cũng tán thành, trong đó, 5 nhiệm vụ chủ yếu theo tôi là rất chuẩn xác. Tuy nhiên, theo tôi, nên rà soát thêm cách diễn đạt cho phù hợp. Ví dụ trong nhiệm vụ đầu tiên, không nên bắt đầu từ “Rà soát, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Thủ đô...”. Nên chăng bắt đầu từ: “Khơi dậy, khai thác, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô...”. Việc kiến nghị Quốc hội sửa Luật Thủ đô phù hợp với tình hình mới là quan trọng, nhưng có thể đề cập ở thời điểm thích hợp hơn.

Tôi cũng đề nghị Hà Nội nên quan tâm cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Bên cạnh đó, theo tôi, dự thảo nên viết kỹ hơn về các giải pháp nhằm tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh tự chủ trong ngành Giáo dục và Y tế Thủ đô, bởi lẽ Hà Nội luôn đi đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục, y tế, nên cần có những bước đi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu này trong những năm tới”.