Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc

ANTĐ - Phát biểu tại Hội thảo về an ninh và kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia ngày 30-6, Malcolm Turnbull, Bộ trưởng Nội các Australia đã đánh giá: chính sách phô diễn cơ bắp của Trung Quốc đã đẩy Châu Á gần với Mỹ hơn lúc nào hết, gây bất ổn trong khu vực. 

Bộ trưởng Turnbull đánh giá Trung Quốc thực sự không có đồng minh tại khu vực, nếu không tính Triều Tiên; cách hành xử kiểu “ức hiếp” gần đây của Bắc Kinh nhằm vào Việt Nam và Philippines “là vô ích” đối với nỗ lực xây dựng lòng tin an ninh khu vực. Trả lời phỏng vấn báo Tia sáng của Campuchia, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đang thăm Campuchia nói rằng: Tranh chấp ở Biển Đông không phải chỉ là vấn đề của Trung Quốc hoặc của các quốc gia Đông Nam Á, mà là vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như là vấn đề của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản cương quyết yêu cầu có sự tôn trọng nguyên tắc quản lý một cách đầy đủ dựa trên Luật Biển. 

Còn tại Mỹ hôm 27-6, Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ đã tổ chức tọa đàm về tình hình Biển Đông. Các học giả cho rằng Mỹ cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc trấn an đồng minh và răn đe Trung Quốc. Đáng chú ý là phát biểu của D. Blumenthal, Giám đốc nghiên cứu Châu Á của tổ chức American Enterprise khi ông cho rằng, Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, chính sách của Mỹ là nên đưa tình hình quay trở lại nguyên trạng, thậm chí nếu điều này bao gồm cả việc đưa tàu đánh cá của Việt Nam quay trở lại ngư trường. 

Bình luận về căng thẳng Biển Đông, học giả Philipines Richard Javad Heydarian trong bài viết “Màn phô diễn sức mạnh nguy hiểm ở Biển Đông”, cho rằng: Bằng việc biến các bãi cạn thành đảo có người cư trú, Trung Quốc muốn hợp thức hóa đường chín đoạn bằng cách xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ cấu trúc đất lớn nhất thuộc quản lý của mình. Như vậy Trung Quốc sẽ có điều kiện lập luận rằng mình có chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện đại. Việc xây dựng căn cứ quân sự tại các đảo nhân tạo sẽ tạo thuận lợi để Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Rõ ràng là Trung Quốc đang nhắm đến việc chiếm lĩnh thực tế, nếu không thể chiếm lĩnh hợp pháp vùng biển này, và đã có những hành động hăm dọa đối với các láng giềng như Việt Nam và Philippines.