Dữ liệu không gian địa lý giúp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ vài tháng kể từ khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc (tháng 12-2019), đại dịch đã khiến toàn thế giới “gục ngã”. Khi cả nhân loại đang cố gắng trải qua khoảng thời gian thử thách nhất kể từ Thế chiến thứ hai, người ta nhận ra rằng mặc dù có những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ, nhưng các cơ sở y tế của chúng ta vẫn còn thiếu thốn, đặc biệt là khi đối mặt với một kẻ thù vô danh.

Điều mà thế giới cần, và hiện đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, là một cách tiếp cận toàn cầu được phối hợp để phát triển một hệ thống phát hiện sớm và đáp ứng để phòng chống dịch bệnh. Và công nghệ về dữ liệu không gian địa lý là yếu tố không thể thiếu trong “cuộc chiến” này.

Bản đồ nghiên cứu và theo dõi sự bùng phát của Covid-19 của trường Đại học John Hopkins (Mỹ)

Bản đồ nghiên cứu và theo dõi sự bùng phát của Covid-19 của trường Đại học John Hopkins (Mỹ)

Cuộc cách mạng về địa lý ứng dụng trong phòng dịch

Mối quan hệ giữa vị trí địa lý và sự bùng phát của dịch bệnh cũng như cách điều trị đã có từ lâu trong lịch sử dịch tễ học. Vào năm 1854, trong đợt bùng phát dịch tả khủng khiếp ở London (Anh), Tiến sĩ John Snow đã đặt nền móng cho ngành dịch tễ học hiện đại khi ông vẽ biểu đồ phân bố số người chết vì dịch trên bản đồ địa phương, điều này cuối cùng đã giúp tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh là từ hệ thống bơm nước. “Ngày nay, phân tích cụm bệnh, so sánh không gian và lập bản đồ vẫn là những phương pháp quan trọng để dự đoán, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh” - Tiến sĩ Kristine Belesova, Phó Giám đốc, Trung tâm Thay đổi khí hậu và sức khỏe hành tinh, ở London nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hình dung sớm nhất về mối quan hệ giữa vị trí địa lý và sức khỏe là vào năm 1694 trong cuộc chiến ngăn chặn bệnh dịch hạch ở Italia. Tiến sĩ Este Geraghty đã đưa ra những giải thích về giá trị của bản đồ như một công cụ truyền thông trong vòng 225 năm tới để hiểu và theo dõi các bệnh truyền nhiễm như sốt vàng da, dịch tả và đại dịch cúm năm 1918. Từ những năm 1960, khi Hệ thống thông tin địa lý được máy tính hóa ra đời, khả năng phân tích, hình dung và phát hiện các mô hình lây lan dịch bệnh đã tăng lên đáng kể.

Kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng về địa lý ứng dụng thông qua các công cụ dựa trên nền tảng web. Có rất nhiều bản đồ và biểu đồ thể hiện mức độ lây lan đáng báo động của Covid-19 và cơ sở hạ tầng y tế ở nhiều quốc gia đang sụp đổ như thế nào. “Chúng ta đang ở trong tình trạng chưa được kiểm soát với Covid-19. Trước đây chúng ta chưa bao giờ thấy một dịch bệnh về đường hô hấp có khả năng lây truyền trong cộng đồng khủng khiếp đến vậy, nhưng cũng có thể được ngăn chặn bằng các biện pháp thích hợp. Biết và hiểu một dịch bệnh là bước đầu tiên để đánh bại nó” - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định.

Phát hiện sớm là “chìa khóa” ứng phó dịch bệnh

Các nhà dịch tễ học thường sử dụng bản đồ khi phân tích mối liên hệ giữa vị trí, môi trường và dịch bệnh, điều đó cho thấy khoa học dịch tễ và khoa học thông tin địa lý luôn đi đôi với nhau. Chẳng hạn, ngay sau khi báo cáo về một số trường hợp đầu tiên của Covid-19 được công bố ở bang Kerala, miền Nam của Ấn Độ, một nhóm quan chức y tế và cơ quan quản lý thảm họa của bang đã làm việc trong tình trạng khẩn cấp để đối chiếu toàn bộ dữ liệu giám sát của những người bị ảnh hưởng vào bản đồ địa lý trực tiếp, với từng địa chỉ liên hệ chính và phụ được truy tìm, đánh dấu và xác định trên bản đồ. Một bản đồ khác cho thấy sự phân loại các vùng có nguy cơ cao và nguy cơ thấp, tập trung vào việc xác định nguồn gốc và mức độ lây lan của bệnh.

Việc phát hiện sớm là rất quan trọng khi con người đối mặt với những căn bệnh có thể gây tử vong, và công nghệ không gian địa lý cho phép chúng ta phát hiện và ứng phó với các căn bệnh kịp thời. Dữ liệu được ngữ cảnh hóa và thông tin chi tiết về địa lý được tạo từ bản đồ kỹ thuật số và công nghệ dựa trên vị trí như định vị địa lý, bộ theo dõi và cảm biến GPS có thể đưa ra những hiểu biết lịch sử và dự đoán về hành vi của bệnh nhân. Điều này có thể cho phép những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đội ngũ nhân viên y tế và các cơ quan chính phủ chuẩn bị trước cho dịch bệnh bùng phát, do đó hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp khi bùng phát dịch bệnh.

Sử dụng thông tin không gian để đối phó với dịch Covid-19 bao gồm: Lập bản đồ các trường hợp đã lây nhiễm và tử vong, phục hồi, xác định địa điểm lây nhiễm, bản đồ lây lan, bản đồ các nhóm dân cư dễ bị lây nhiễm, bản đồ khả năng ứng phó… Khi kết hợp với nguồn dữ liệu lớn, công nghệ thông tin không gian địa lý có thể đóng vai trò tích cực trong việc hình dung nhanh chóng, phổ biến thông tin về dịch bệnh, truy tìm nguồn virus trong không gian, dự đoán sự lây lan trong khu vực, phân chia nguy cơ của các khu vực, xác định các ưu tiên phòng chống và kiểm soát các nguồn lực.

Sự kết hợp giữa dữ liệu không gian địa lý với giám sát sức khỏe cộng đồng giúp ích cho những phân tích liên quan đến chính sách và kiểm soát dịch bệnh. Mô hình dự đoán có thể cho biết các khu vực có nhu cầu hoặc rủi ro lớn nhất với các dự báo trong 30, 60 và 90 ngày. Điều này có thể giúp huy động trước các nguồn lực ở những địa điểm này để có thể hành động nhanh hơn. Về mặt sức khỏe, đó là điều tối quan trọng - thời điểm tốt hơn có thể cứu sống hàng nghìn người.

Dữ liệu không gian địa lý ngày càng được đưa vào các mô hình phức tạp hơn sử dụng để cung cấp thông tin cho các hệ thống cảnh báo sớm, mô hình hóa sự lây truyền dịch bệnh và đánh giá tác động của các can thiệp sức khỏe cộng đồng. Nhiều phương pháp dịch tễ học hiện đại dựa trên phân tích không gian và thời gian, cũng như không gian-thời gian, bao gồm cả việc sử dụng dữ liệu không gian địa lý và vệ tinh. “Để đối phó với đại dịch, chúng ta thực sự cần phải tìm ra tất cả các ca nhiễm chúng ta cần biết virus ở đâu để có thể điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với các khu vực cần nó nhất và làm như vậy chúng ta cần phải truy được hết các trường hợp nhiễm bệnh” - Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, bác sĩ Dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO nói.

“Chúng ta không biết khi nào đợt dịch tiếp theo sẽ tấn công, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể tự bảo vệ mình nếu đầu tư vào các công cụ tốt hơn, hệ thống phát hiện sớm hiệu quả hơn và hệ thống phản ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn… Ngoài ra đòn bẩy sức mạnh của công nghệ để giúp dự đoán vị trí mà đại dịch có khả năng xuất hiện và lập mô hình các cách tiếp cận khác nhau để ngăn chặn chúng”.

Bill Gates (Tỷ phú sáng lập Microsoft )