Du lịch Việt bắt đầu phục hồi sau 3 tháng ngưng trệ

ANTD.VN - Sau thời kỳ “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi, trong đó trọng tâm là ưu tiên phát triển du lịch nội địa. Đó cũng là xu hướng chung trên thế giới trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.

Thuyết phục khách hàng bằng tiêu chí an toàn

Tính tới ngày 13/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm Covid – 19 nhưng chưa có ca tư vong nào. Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam là điểm đến an toàn trong tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp. Đây chính là điểm mạnh để du lịch Việt Nam tự tin khôi phục sau khoảng 3 tháng ngưng trệ. 

Hiện nay các đơn vị kinh doanh du lịch có xu hướng chung là chọn ưu tiên phát triển du lịch nội địa và đặt yêu cầu an toàn sức khỏe cho du khách lên trên hết. Điều này vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ thị từ Thủ tướng Chính phủ, vừa đem đến sự an tâm cho du khách.

“Tiêu chí an toàn được áp dụng cho cả đơn vị kinh doanh dịch vụ, lữ hành và cả du khách. Hơn bất cứ ngành nào, chúng tôi hiểu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên thay vì chỉ chú tâm vào phát triển số lượng, chúng tôi chọn chất lượng cho con đường dài”, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty HanoiRedtour cho biết.

Ông Hoan cũng cho biết, cũng như các đơn vị lữ hành khác, HanoiRedtour áp dụng quy định chặt chẽ với tất cả nhân viên và hành khách. Đối với những khách có dấu hiệu của bệnh hoặc có nhu cầu đổi, hoãn chuyến thì công ty sẵn sàng hoàn trả lại kinh phí, nhằm tránh việc nhiều người có tâm lý cố đi tránh lãng phí.

Các hướng dẫn viên cũng được trang bị kiến thức về phòng, tránh Covid – 19 để đảm bảo điều kiện sức khỏe cho tất cả du khách. Hành khách được yêu cầu đeo khẩu trang, kê khai y tế và tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nếu so sánh với tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng cho du lịch an toàn. Ông John Grant, nhà phân tích cao cấp của Công ty Phân tích và Dữ liệu Hàng không Anh OAG trả lời trên tờ Travel and Leisure ngày 12/5, cho biết khách du lịch vẫn chưa sẵn sàng với các kế hoạch du lịch. Ông cho rằng ngành du lịch tại các nước phương Tây đang ở trong một tình huống kinh điển ‘gà hay trứng”. Sau dịch, bắt đầu thấy nhiều người đưa ra yêu cầu tìm kiếm du lịch, đặc biệt là vào tháng 8 trở đi, nhưng vẫn còn đôi chút phân vân.

Theo nhận định từ nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, từ “vệ sinh” sẽ trở thành cụm từ thông dụng nhất trong cao điểm du lịch mùa hè này. Làm như thế nào để giữ khoảng cách với mọi người, tần suất làm sạch mọi thứ ra sao hay các biện pháp bảo vệ nhân viên, du khách như thế nào sẽ là chìa khóa để ngành du lịch thu hút khách.

Trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao nhưng giá thấp

Ông Clayton Reid, CEO của Công ty tiếp thị du lịch MMGY Global trả lời phỏng vấn trên Travel and Leisure ngày 12/5, cho rằng “Những chuyến du lịch lấy cộng đồng làm trung tâm và theo vùng miền sẽ sớm bắt đầu hồi sinh từ mùa hè này. Tiếp theo đó, sẽ xây dựng những vòng tròn đồng tâm, tức là họ chọn các điểm du lịch gần với nơi ở của họ”.

Xu hướng du lịch nội địa cũng đang là trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam. Thay vì phục vụ khách quốc tế như trước đây, các đơn vị du lịch, lữ hành đang chủ động quay đầu tập trung mạnh vào khách nội địa.

Các đơn vị du lịch địa phương cũng chủ động giảm giá vé

Các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn chủ động liên kết để đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực như tăng chuyến bay, giảm giá phòng, linh hoạt gói du lịch… Nhìn chung, mức giá hiện nay đang thấp hơn khoảng 50% đến 60% so với trước đây. Đặc biệt các gói cho đi nhóm, gia đình giảm khoảng 20% được triển khai rộng rãi.

“Hiện nay toàn ngành du lịch sẽ tập trung vào phục vụ khách nội địa. Có thể nói đây là cơ hội vàng cho khách trong nước trải nghiệm dịch vụ 4 sao, 5 sao, trước đây vốn dành cho khách quốc tế, nhưng nay giá lại thấp hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định, mùa hè tới sẽ là cao điểm cho ngành du lịch. Bởi dịp Tết, nhu cầu đi du lịch của người dân bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Cho tới dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, số lượng đăng ký các chuyến du lịch rục rịch tăng trở lại.

Các tour du lịch ngắn ngày, phạm vi mở rộng ra cả nước hay tour trọn gói với hàng loạt ưu đãi giảm giá từ 20% là sản phẩm đặc trưng mà ngành du lịch chọn cho thời gian cao điểm sắp tới.

Thế nhưng, nhiều ý kiến lo lắng về vấn đề nhân sự hiện nay của ngành du lịch. Trước dịch Covid – 19, du lịch Việt Nam có đội ngũ nhân viên dồi dào, chất lượng cao. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, lực lượng này đã tản dần sang ngành nghề khác. Nếu ngay bây giờ nếu chúng ta không tái khởi động để giữ nguồn nhân lực đó thì sẽ “hẫng” cơ hội vàng trong thời gian tới.